Phòng bệnh trong và sau bão lũ

Theo SKĐS, icon
08:04 ngày 11/08/2013

Trong và sau bão lũ, nguồn nước bề mặt bị ô nhiễm nặng do đã tràn ngập qua các công trình vệ sinh trên mặt đất cuốn theo phân, rác, xác động - thực vật, nước cống rãnh... điều này dễ gây ra bệnh cho người dân địa phương.

Vùng có lũ ống, lũ quét hoặc bị ngập lụt đều bị nguồn nước bẩn làm ô nhiễm vào đất, cây cỏ, vật nuôi, nền và tường vách các công trình xây dựng... Từ đó, vi khuẩn gây bệnh rất dễ lây nhiễm sang người và gây ra các bệnh dịch như: nhiễm khuẩn đường ruột, đau mắt, viêm da, sốt xuất huyết, sốt rét...

PHÒNG CÁC BỆNH ĐƯỜNG RUỘT

Trên thực tế, đồng bào vùng bão lũ thường bị mắc các bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... chủ yếu lây nhiễm do ăn uống không đảm bảo vệ sinh; tay bị nhiễm khuẩn trong quá trình lao động và sinh hoạt; do ruồi, nhặng, gián, thạch sùng, chuột làm nhiễm bẩn vào thực phẩm. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

Vệ sinh ăn uống:

Luôn luôn thực hiện “ăn chín, uống sôi ”, tất cả thức ăn, nước uống đều phải nấu chín kỹ, đun sôi rồi mới ăn uống và nên ăn uống khi thức ăn còn nóng, tránh để lâu.

Mọi người sau khi tiếp xúc với môi trường, sau lao động, sau khi đi vệ sinh phải rửa tay sạch bằng xà phòng. Các dụng cụ nấu ăn, bát đũa, cốc chén phải rửa sạch, phơi khô ráo mới sử dụng. Nếu bát đũa vừa rửa mà cần dùng ngay thi phải tráng dội bằng nước sôi. Thức ăn đã nấu chín phải đậy kín bằng lồng bàn để tránh ruồi, nhặng, gián, thạch sùng, mưa gió, bụi bặm làm nhiễm bẩn.

Không ăn các loại rau sống, rau thơm. Không ăn tiết canh lợn hay tiết canh các loại vật nuôi khác vì tiết canh sống có nhiều loại vi khuẩn sẽ gây tiêu chảy, ngộ độc thức ăn...

‘ Phun hóa chất xử lý môi trường kịp thời phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong và sau lũ lụt.

Vệ sinh nguồn nước sinh hoạt:

Nước dùng ăn, uống phải được xử lý vệ sinh sạch sẽ. Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu thức ăn. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước rồi mới dùng. Cách làm trong và khử khuẩn nước như sau:

- Cách làm trong nước bằng phèn: Dùng một miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay hòa tan vào một gáo nước, sau khi phèn tan hết, đổ gáo nước đó vào một xô đựng nước khoảng 20 – 25 lít và khuấy đều. Khoảng 30 phút sau, khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong ở phía trên để khử khuẩn.

- Cách khử khuẩn bằng viên aquatabs: Tốt nhất là dùng viên aquatabs 67mg để khử khuẩn nước. Cách dùng: cho 1 viên aquatabs loại 67mg vào 20 lít nước trong, đậy nắp lại, đợi sau 30 phút để thuốc diệt hết vi khuẩn là dùng được. Nước đã khử khuẩn bằng aquatabs 67mg có thể uống được ngay mà không cần đun sôi vẫn rất an toàn.

- Cách khử trùng nước bằng viên cloramin B: Hòa tan 1 viên khử khuẩn cloramin B 0,25g vào một gáo nước, đổ gáo nước đó vào xô nước đã được làm trong nói trên và khuấy đều. Đợi khoảng 30 phút sau mới sử dụng nước. Nước đã khử khuẩn bằng cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.

- Chú ý: Một viên khử khuẩn nước cloramin B 0,25g dùng để khử khuẩn cho 25 lít nước đã làm trong; 1/3 thìa canh bột cloramin B (tương đương 3g) dùng để khử khuẩn lượng nước là 300 lít.

‘ Thau rửa đồ đựng nước để diệt lăng quăng giúp phòng ngừa dịch bệnh.


PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH KHÁC

Bà con vùng bão lũ còn hay bị mắc các bệnh: Đau mắt, viêm da, sốt xuất huyết, sốt rét. Biện pháp phòng tránh các bệnh này như sau:

- Bệnh đau mắt và viêm da chủ yếu lây do tiếp xúc với nước bẩn. Vì vậy, phòng bệnh cần: Thường xuyên tắm, rửa bằng nước đã được làm trong và khử khuẩn. Không tắm rửa bằng nước sông, suối, ao hồ đục bẩn vì rất dễ bị mắc bệnh. Nhỏ mắt và rửa mắt bằng nước muối sinh lý (NaCl 9%o) ngày 2 - 3 lần.

- Bệnh sốt xuất huyết và sốt rét là do muỗi đốt truyền bệnh. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) và tránh muỗi đốt. Diệt muỗi bằng cách xịt thuốc muỗi, vợt điện. Diệt bọ gậy bằng cách: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước như: bể, giếng, chum, vại, lu, khạp... để cá ăn bọ gậy.

- Loại bỏ nơi muỗi đẻ bằng cách: Thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, gáo dừa, lốp xe...; đậy kín các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum, vại, lu khạp; lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến. Thay nước, rửa chum, vại, lu, khạp mỗi tuần 1 lần. Phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi ở.

- Phòng tránh muỗi đốt bằng cách: Mặc quần dài, áo dài tay, nhất là trẻ em. Ngủ trong màn, kể cả ban ngày. Dùng thuốc xịt diệt muỗi. Tẩm hóa chất diệt muỗi vào chăn màn, ri đô theo yêu cầu của cơ quan y tế. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết hay sốt rét phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt truyền bệnh sang người khác.

Cùng chuyên mục