Phòng chống tác hại của ngộ độc khí CO

Ngọc Minh, Xuân Việt, icon
02:01 ngày 22/05/2024

VTV.vn - Khí Carbon monoxide (CO) là một loại khí không màu, không mùi nên chúng ta không thể phát hiện được bằng mắt thường, khí có thể tích tụ nhanh chóng trong không gian kín.

Hình minh hoạ: Bệnh nhận bị ngộ độc khí CO được điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác

Theo Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, ngộ độc khí CO xảy ra khi khí này tích tụ vào máu qua hô hấp đến mức nguy hiểm và khiến cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết.

Các triệu chứng khởi đầu của ngộ độc khí CO rất khó nhận biết như buồn nôn, đau đầu thường làm cho các nạn nhân không được cấp cứu đúng cách. Khi hít vào một lượng khí CO cao sẽ gây ra những biến chứng rất nặng về thần kinh, tim mạch và có khả năng gây tử vong chỉ sau vài phút. Các nguồn khí CO phổ biến trong đời sống sinh hoạt bao gồm: Khói từ động cơ xe (ô tô, xe tải, tàu thuyền), thiết bị bếp (bếp gas, bếp than, bếp củi), lò nung, đồ nướng, máy phát điện, khói thuốc lá và một nguồn rất nguy hiểm là khói trong các vụ tai nạn do hỏa hoạn.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2021, tỷ lệ tử vong toàn cầu do ngộ độc khí CO là 0,366 trên 100.000 người, với 28.900 ca tử vong. Gần 70% số ca tử vong xảy ra ở nam giới và nhóm tuổi 50 - 54 tuổi có số ca tử vong cao nhất.

Việt Nam là một nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn hạn chế với tập tính sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch trong sinh hoạt và tình hình phát triển kinh tế công nghiệp ngày càng làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, trong số đó có không ít nạn nhân bị ngộ độc khí CO. Ngoài ra, để phòng chống tác hại của ngộ độc khí CO trong sinh hoạt, vừa qua Bộ Y tế đã ra công điện đề nghị các địa phương tăng cường phổ biến kiến thức và hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn.

Để phòng tránh một cách có hiệu quả ngộ độc khí CO cần ngăn chặn tích tụ khí CO nồng độ cao có thể gặp trong khu dân cư và các môi trường trong nhà bằng cách: Kiểm tra thường xuyên và bảo trì định kỳ các thiết bị nhà bếp, phòng chống cháy nổ, không cho ô tô chạy không tải trong gara và đóng cửa xe, không sử dụng các nguồn chất đốt không có lỗ thông hơi trong nhà.

Tại các cơ sở y tế cần phải được tập huấn về kỹ năng cấp cứu và điều trị ngộ độc khí CO. Mua sắm trang thiết bị kiểm tra chỉ số nồng độ khí CO trong máu của các nạn nhân có yếu tố nguy cơ ngộ độc khí CO. Nồng độ CO trong máu được chẩn đoán là ngộ độc khi (Carboxyhemoglobin) COHb trên 10% và ngộ độc nặng khi COHb trên 20%.

Khuyến cáo khi tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc khí CO

Khi tiếp nhận nạn nhân ngộ độc các cơ sở y tế cấp cứu ban đầu cần thực hiện các biện pháp cấp cứu đảm bảo: Cung cấp oxy bình thường bằng mặt nạ với lưu lượng cao hoặc oxy 100% khi thở máy. Bệnh nhân bị ngộ độc nặng biểu hiện bằng mất ý thức thoáng qua, thiếu máu cơ tim, thay đổi trạng thái tâm thần, nhịp tim nhanh hoặc hạ huyết áp, cùng với nồng độ khí CO cao nên được điều trị khẩn cấp bằng oxy cao áp.

Kết quả tốt nhất khi bệnh nhân được điều trị lần đầu trong vòng 6 giờ sau khi xảy ra ngộ độc. Các bệnh nhân sau điều trị cần được khám đánh giá những di chứng thần kinh có thể xảy ra muộn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục