Phụ nữ cần biết để không bị "sát thủ giấu mặt" kéo vào chỗ chết!

Theo N.Giang/Người đưa tin, icon
02:29 ngày 19/05/2017

VTV.vn- Các bác sĩ khuyến cáo, nhiều người chỉ quan tâm, đi tầm soát ung thư mà bỏ quên các bệnh cơ bản như huyết áp, tim mạch... Thậm chí, bệnh huyết áp còn là "sát thủ giấu mặt".

GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, người Việt bị tăng huyết áp thường có thói quen điều trị một đợt rồi ngừng dẫn đến bệnh ngày càng năng. Bệnh huyết áp hiện đang được xem là "sát thủ giấu mặt" mà ít người biết đến.

Viện Tim mạch Việt cũng đưa ra cảnh báo về thực trạng đáng báo động về bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam. Ở Việt Nam, năm 2009 tỉ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và tới năm 2016, tỉ lệ này đang ở mức báo động đỏ là trên 40%.

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong và gánh nặng bệnh tật hàng đầu trên thế giới, nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não và suy tim, hàng thứ hai gây ra nhồi máu cơ tim; là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất trong cộng đồng khi cứ 4 người lớn lại có một người bị tăng huyết áp.

Phụ nữ cần biết để không bị sát thủ giấu mặt kéo vào chỗ chết! - Ảnh 1.

Không nên lơ là bệnh huyết áp (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, 3 nghịch lý thường gặp đối với căn bệnh này là dễ phát hiện (bằng cách đo huyết áp đơn giản) nhưng thường bị bỏ sót; Dễ điều trị nhưng không được điều trị, với khoảng hơn 50% bệnh nhân được phát hiện tăng huyết áp không được điều trị; có nhiều thuốc và tiến bộ về thuốc hiệu quả trong điều trị nhưng đa số bệnh nhân được điều trị lại không được khống chế huyết áp đạt yêu cầu.

GS.Việt nêu thực trạng, người bệnh thường có kiểu điều trị một đợt (như các loại bệnh thông thường) rồi ngừng khi đỡ triệu chứng. Trong khi đó, bệnh tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng" vì không có những triệu chứng điển hình. Một số người có triệu chứng lâm sàng như chóng mặt, đau đầu, ù tai… nhưng rất nhiều người bị tăng huyết áp lại không có biểu hiện này.

"Bệnh này cần uống thuốc đều, lâu dài ngay cả khi không có triệu chứng và chỉ số huyết áp hạ xuống mức bình thường", GS.Việt nói.

Ở thời điểm hiện tại, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ người trẻ bị tăng huyết áp ngày càng tăng. GS.Nguyễn Lân Việt khuyến cáo, ngay cả trẻ em cũng có thể tăng huyết áp do các bệnh lý như: Viêm cầu thận, hẹp eo động mạch chủ… Tỷ lệ trẻ em béo phì cũng ngày một gia tăng. Trước mắt béo phì chưa gây ra chứng tăng huyết áp nhưng về sau sẽ dẫn tới hội chứng chuyển hóa, từ đó gây ra nhiều biến chứng về tim mạch.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, tăng huyết áp hoàn toàn có thể điều trị và tránh được các biến chứng nguy hiểm nếu tuân thủ cách phòng bệnh gồm: chế độ ăn uống hợp lý và giảm muối; ăn nhiều rau xanh, hoa quả; hạn chế rượu bia; không hút thuốc lá, thuốc lào; vận động thể lực và duy trì cân nặng phù hợp. Điều cần lưu ý là đo huyết áp hàng để "nắm được số đo huyết áp như biết chính tuổi của mình".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục