Phú Thọ: Bệnh chân tay miệng diễn biến phức tạp

Lê Thạch, icon
07:35 ngày 23/09/2018

VTV.vn - Tại Khoa Nội nhi đông y, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ.) gần đây tiếp nhận liên tục nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do bệnh chân tay miệng.

Các nốt li ti ở chân bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm nhưng thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho bệnh phát triển. Bệnh có thể gây thành dịch lớn. Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Theo mẹ bé H.T.M. (3 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ), trước vào viện vài ngày, cháu xuất hiện sổ mũi, ho, kèm theo sốt cao 38 - 39 độ liên tục, hết thuốc hạ sốt lại sốt li bì, miệng xuất hiện vài nốt nhỏ li ti. Gia đình nghĩ cháu bị viêm họng nên mua thuốc ở nhà cho bé uống tuy nhiên tình trạng sốt không thuyên giảm gia đình vội đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Tại đây, cháu M. được thăm khám, làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc tay chân miệng.

Trường hợp khác là cháu N.T.H. (24 tháng tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng phải nhập viện điều trị tay chân miệng. Bé nổi rất nhiều nốt mụn nước đỏ vùng bẹn, mông, chân tay và miệng, không ăn uống được gia đình đưa ngay đến viện khám.

Phú Thọ: Bệnh chân tay miệng diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Bố bệnh nhi H. cho biết: gần nhà có bé bị tay chân miệng học cùng bé H. nên gia đình đã theo dõi cháu sát và thực hiện vệ sinh sạch sẽ, cách ly tránh cho các bé tiếp xúc với nhau nhưng vẫn bị lây.

Theo bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi, các bé nhập viện đều đang ở tình trạng bệnh phát triển đến độ 2, nghĩa là xuất hiện các dấu hiệu như sốt ly bì trên 38,5 độ, nôn, khó ngủ, quấy khóc, nổi mụn nước đỏ ở chân, tay, miệng. Nếu không nhập viện kịp thời điều trị trẻ có nguy cơ bị sốt liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, co giật, sốc, viêm não, ngưng tim bất cứ lúc nào. Hiện tại, các bệnh nhi đang điều trị tại khoa đã ổn định, cắt sốt, có thể ăn uống tốt, nhưng vẫn cần theo dõi sát của nhân viên y tế và người nhà.

Bác sĩ lưu ý cha mẹ cần quan sát trẻ khi có các dấu hiệu sau cần đến bệnh viện thăm khám ngay:

- Sốt ly bì từ 38,5 đến 39 độ C

- Quấy khóc liên tục, có thể quấy khóc cả đêm, giấc ngủ chập chờn.

- Nổi nốt mụn nhỏ tại các vị trí như miệng, lòng bàn tay, bàn chân, bẹn, mông,…

- Ăn uống kém, nôn.

Các bác sĩ khuyến cáo: cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi chăm sóc trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cách ly trẻ bị bệnh tại nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục