Phương pháp mới tiếp cận trẻ tự kỷ

Vân Anh, icon
10:25 ngày 02/04/2013

Hôm qua (2/4), nhân ngày Thế giới nhận biết chứng tự kỷ, một khóa tập huấn phương pháp mới tiếp cận trẻ tự kỷ đã được tổ chức tại Hà Nội.

Cha mẹ có kỹ năng tiếp cận với trẻ tự kỷ, sẽ khiến trẻ mau chóng hòa nhập cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Tự kỷ là căn bệnh của thời đại và đang ngày càng gia tăng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.Các chuyên gia quốc tế đã mang đến Việt Nam những phương pháp mới trong tiếp cận trẻ tự kỷ, giúp các bậc cha mẹ có con mắc bệnh này có thể đưa con mình hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất.

Chị Vũ Thanh Huyền, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đã đưa con trai ra Hà Nội để tham gia khóa tập huấn về phương pháp mới tiếp cận trẻ tự kỷ. Sau buổi tập huấn, chị rất hi vọng có thể vận dụng những kiến thức đã học được để làm bạn với con.

Chị Huyền tâm sự: “Lúc theo dõi các chuyên gia chơi và dạy cho con, tôi nghĩ lại những lúc chơi với con và thấy rõ ràng là các con rất thích vận động. Tuy nhiên lúc con cảm thấy hơi chán là cha mẹ cũng bỏ cuộc. Nhưng tại đây, các cô đã rất khéo léo đưa con vào những trò vận động, hát múa nhẹ nhàng giúp con thoải mái và chơi lâu hơn. Tôi nghĩ mình đã học được nhiều điều để có thể áp dụng ngay khi chơi với con”.

Tiến sỹ Andy Shih, người từng có hàng chục năm nghiên cứu về hội chứng tự kỷ trên thế giới đã cung cấp nhiều thông tin cho các bậc phụ huynh. Cách đây một năm, ông cũng có mặt ở Việt Nam để tìm hiểu thực trạng và tâm lý các phụ huynh có con em mắc hội chứng tự kỷ.

Tiến sỹ Andy Shih, Phó Chủ tịch Tổ chức Autism Speaks, Hoa Kỳ cho biết: “Điểm khác biệt lớn nhất là cả cộng đồng đã chung tay, xác định những vấn đề khó khăn và cùng nhau giải quyết chúng… Chúng ta có thể hiểu được suy nghĩ của các chuyên gia nước ngoài, cha mẹ, thầy cô. Tôi thấy các bậc cha mẹ đã tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của trẻ”.

Sau ngày đầu phát động, hàng trăm gia đình đã đăng ký tham gia khóa tập huấn. Các bậc cha mẹ cũng tự nguyện được thực nghiệm phương pháp mới đối với con em mình. Đại diện Viện khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, những hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tập huấn đều được phụ huynh đặc biệt quan tâm và tham gia nhiệt tình. Hiện nay, tại Việt Nam, những nghiên cứu về trẻ tự kỷ chưa nhiều.

Ths Đào Thị Thu Thủy, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: “Việc đào tạo đội ngũ giảng dạy cho trẻ tự kỷ mới chỉ mang tính bột phát, chưa mang tính chuyên sâu. Hoạt động nghiên cứu cũng chỉ do một nhóm, một cá nhân hay nhóm giáo viên thực hiện. Tại các trường ĐH, CĐ chưa có các chuyên ngành để đào tạo trẻ tự kỷ. Tất cả các kỹ năng phụ huynh hay thầy cô giáo có hầu hết đều học từ các buổi tập huấn có các chuyên gia nước ngoài”.

Tự kỷ có thể được cải thiện nếu có phương pháp tiếp cận hợp lý, điều cần nhất là gia đình phải có sự kiên nhẫn và biết cách làm bạn với trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tại Việt Nam đây là một trong những kỹ năng mà các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ đang còn rất thiếu.

Chính vì vậy, được thực hành nhiều hơn và được nghe những chia sẻ từ các chuyên gia nước ngoài là cơ hội để các bậc phụ huynh có thể chăm sóc con mình một cách tốt nhất.

Cùng chuyên mục