Rắn xuất hiện nhiều: Người dân cần biết cách tự bảo vệ

Nguyễn Liên, icon
10:06 ngày 27/08/2018

VTV.vn - Một bé trai bị rắn cắn ở công viên Linh Đàm (Hà Nội) những tưởng chỉ xảy ra ở vùng quê hẻo lánh nay lại "không mấy xa lạ" ngay cả với các khu vực nội đô.

Con đường đi học tắt qua công viên của nhiều em học sinh khu chung cư Linh Đàm.

Tuần trước, Bệnh viện Bạch Mai  tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị rắn cắn tại công viên Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo lời kể của mẹ cháu bé, trong lúc đang ngồi ghế đá, cháu bé bất ngờ bị rắn phi ra cắn vào chân. Con rắn sau đó lẩn rất nhanh vào bãi cỏ và mất hút. Rất may mắn, con rắn này được xác minh là rắn không có độc và bệnh nhi hiện đã được xuất viện.

Đáng ngại, đây không phải là lần đầu tiên các hộ dân cư xung quanh khu vực này thấy rắn xuất hiện. Một vài tháng trở lại đây, người dân từng phát hiện và bắt nhiều trường hợp rắn hổ mang hay rắn ráo rất lớn. Việc rắn xuất hiện và tấn công người cho thấy, không chỉ các vùng quê, ngay tại các khu vực nội đô nhiều cây cối rậm rạp như khu đô thị Linh Đàm cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Theo quan sát của phóng viên, khu vực công viên Linh Đàm là nơi có khá đông người dân đến nghỉ ngơi và vui chơi từ sáng sớm đến tối muộn, trong đó có rất nhiều trẻ em. Tuy nhiên, công viên này lại có rất nhiều gốc cây, bụi cây lớn rậm rạp, thích hợp là nơi lưu trú và ẩn nấp của rắn.

Rắn xuất hiện nhiều: Người dân cần biết cách tự bảo vệ - Ảnh 1.

Nhiều người dân hoang mang, lo ngại bởi công viên vẫn là nơi nghỉ ngơi ưa thích của họ.

Bên cạnh đó, một phần của khu vực công viên Linh Đàm này còn là con đường đi học về quen thuộc của các em học sinh ở rất nhiều các khu nhà như VB2, VB3, VB4, VB5… chung cư Linh Đàm. Đây là mối nguy hiểm rất lớn nếu trẻ bị rắn tấn công mà không có người lớn bên cạnh đưa đi sơ cứu kịp thời. Em Đàm Trọng Nhật Minh, lớp 6 trường THCS Hoàng Liệt cho biết: "Bình thường nếu bố mẹ bận, chúng em toàn phải đi bộ tắt qua công viên này để về nhà cho gần. Em cũng rất sợ bị rắn cắn nhưng đi đường lớn thì nhiều xe quá, dễ bị tông nên buộc phải đi đường này thôi ạ!".

Phỏng vấn người dân xung quanh khu vực này, ngoài một số người mang tâm lí "chưa tận mắt thấy thì chưa đáng lo", đa số người dân đều cho rằng đây không phải là chuyện đáng ngạc nhiên và cách tốt nhất là nên tự biết phòng bị cho bản thân và gia đình.

Ông Vũ Trực – 70 tuổi ( khu chung cư Linh Đàm) chia sẻ: "Tôi nghĩ ở đây nhiều bụi rậm thế này thì chắc chắn sẽ có nhiều rắn thôi, tránh làm sao được. Tôi rất hay cho cháu ra đây chơi nên thường sẽ lựa những khu vực nào thoáng, ít cây cối với lại phải quan sát cháu thật cần thận mới yên tâm".

Rắn xuất hiện nhiều: Người dân cần biết cách tự bảo vệ - Ảnh 2.

Những bụi cây, bụi cỏ rậm rạp có khả năng là nơi lưu trú của rắn.

Cô Thanh Bình – 60 tuổi, tòa nhà HH chung cư Linh Đàm thì cho biết: cần phải tìm ra cách để ngăn chặn tình trạng này: "Tôi thấy khá lo sợ, vì giờ mà không may bị rắn cắn thì cũng không biết làm sao. Tôi nghĩ để không có rắn thì vấn đề vệ sinh môi trường phải tốt hơn. Cây cỏ mọc um tùm lên, không có ai dọn thế này thì rắn rết xuất hiện nhiều là phải thôi".

Các chuyên gia y tế cho biết: người dân có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng); rắn cạp nong (thân mình "khúc vàng khúc đen"); rắn cạp nia (thân mình "khúc trắng khúc đen"); họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác)…Rắn độc thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc.

Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Ngay sau khi bị rắn cắn, cần băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung làm chậm quá trình phát tán nọc độc; không garô động mạch. Có thể dùng miệng hút máu vết cắn nhổ đi nhưng nếu tại miệng, răng có tổn thương, nứt môi, viêm chân răng thì lại không được dùng miệng hút). Tiếp đến người bệnh nên nặn, rửa máu dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu với nhiều nước để loại trừ bớt nọc độc.

Ngoài ra, nên cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, không để bệnh nhân tự đi lại và bất động chi bị cắn bằng nẹp. Đặc biệt, tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu. Sau khi đã tiến hành sơ cứu, cần ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị thích hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục