Rượu Methanol nguy hiểm như thế nào?

Minh Đức, icon
06:37 ngày 15/03/2017

VTV.vn - Đối với người bình thường, chỉ cần uống phải từ 5 - 15ml Methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên là gây mù loà, 30ml có thể gây tử vong.

Rượu uống được sử dụng nhiều và rất quen thuộc trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người uống, gây nên những hành vi, hậu quả không tốt cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tại Hà Nội bị ngộ độc rượu Methanol phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Hầu hết các bệnh nhân đều uống rượu không rõ nguồn gốc và nhãn mắc. Một số trường hợp dù đã được xuất viện nhưng vẫn sẽ để lại những di chứng nặng nề cho sức khỏe.

Được biết, rượu uống được phân chia theo nguồn gốc sản phẩm lên mem rượu như các loại tinh bột gạo, ngô hay sắn, được ủ và chưng cất theo phương pháp dân gian hoặc pha chế từ cồn thực phẩm. Hiện nay, tại Việt Nam thường xuyên xảy ra 2 loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc Ethanol và ngộ độc Methanol.

Rượu Methanol nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác có nguy cơ cao gây ngộ độc Methanol cho người uống

Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội, khi người uống bị ngộ độc Ethanol sẽ khiến các hoạt động của não bị giảm, gây mất ý thức và khó thở. Nếu bị ngộ độc cấp tính thì giai đoạn đầu người uống sẽ nói nhiều, vận động bị rối loạn, sau đó sẽ đến giai đoạn ức chế với biểu hiện phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi.

Đối với những người uống rượu chứa Ethanol trong thời gian dài có thể bị ngộ độc mạn tính dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan và có thể ung thư gan, gây mất trí nhớ, rối loạn tâm thần.

Ngoài Ethanol, ngộ độc cồn Methanol nguy hiểm và cấp độ tổn thương cơ thể cao gấp nhiều lần. Chỉ trong đầu năm 2017, hàng chục trường hợp ngộ độc rượu Methanol đã được phát hiện, nhiều bệnh nhân ngộ độc nặng lâm vào tình trạng nguy kịch vì mua phải loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và không nhãn mác.

Cồn Methanol được sử dụng trong công nghiệp hóa chất cũng như trong các hoạt động của đời sống. Cồn Methanol có thể gây ngộ độc do uống nhầm hoặc pha chế rượu uống từ cồn công nghiệp. Đây là loại chất rất độc vì chúng thải trừ chậm, khi bị oxy hóa sẽ chuyển thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Trong đó, Formol là chất tẩy khuẩn mạnh, dùng trong công nghiệp thường được pha loãng để tẩy uế dụng cụ, mặt đất và môi trường bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Còn axit Formic thường xuất hiện trong nọc độc của các loài ong và kiến. Chính những chất này sẽ gây độc cho gan và thận gây suy thận cấp, gan nhiễm độc. Đối với người bình thường, chỉ cần uống phải từ 5 - 15ml Methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên là gây mù loà, 30ml có thể gây tử vong. Điều đáng nói, nguy cơ ngộ độc Methanol rất cao bởi nhiều cơ sở sản xuất sử dụng lại cồn này để pha chế vì giá rẻ, khó phát hiện và dễ pha chế.

Triệu chứng đầu tiên có thể là chán nản, lú lẫn, ngủ li bì. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18 - 24 giờ, bao gồm đau đầu, các triệu chứng về thị lực, buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc Methanol nặng gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.

Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính bản thân mình, mỗi người dân nên có sự nhận thức rõ ràng hơn khi mua và sử dụng rượu, đặc biệt những loại rượu không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất rượu cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh, tiêu dùng rượu, tuyệt đối không mua bán các loại rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục