SARS-CoV-2 có lây lan qua thực phẩm hoặc bao bì không?

Nhật Anh, icon
10:00 ngày 07/04/2020

VTV.vn - Việc mua đồ ăn chế biến sẵn hoặc ra ngoài mua thực phẩm về có làm lây nhiễm SARS-CoV-2 hay không đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các loại virus gây bệnh đường tiêu hóa như norovirus hay virus hepatitis A gây viêm gan A có thể lây nhiễm qua đường tiêu hóa khi ăn thực phẩm có mầm bệnh. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 lại gây bệnh đường hô hấp. Tiếp xúc với thực phẩm có SARS-CoV-2 không được xem là một đường lây nhiễm.

Tuy nhiên, SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan nếu người nấu bị nhiễm bệnh. Virus này được phát hiện có trong phân của một số người bệnh. Do đó, không thể loại trừ khả năng bệnh lây truyền qua thực phẩm được chế biến từ người bệnh chưa rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh, theo Trường Đại học Y Harvard. SARS-CoV-2 cũng có thể bị tiêu diệt trong quá trình nấu chín thực phẩm. Tuy nhiên, những món ăn không được nấu chín như xà lách hay bánh mì hoàn toàn có thể chứa SARS-CoV-2.

Virus có thể sống trên bề mặt các bao bì thực phẩm. Tuy nhiên, chúng chỉ sống được vài giờ đến vài ngày, tùy thuộc chất liệu. Dù không được coi là nguồn lây lan chính nhưng chạm vào bề mặt có mầm bệnh, sau đó đưa tay lên mặt cũng có thể gây nhiễm bệnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo.

Để giảm nguy cơ lây lan COVID-19, nhân viên bán hàng ở các siêu thị, tạp hóa, các cửa hàng ăn uống cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn như rửa tay thường xuyên, lau chùi các bề mặt bằng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh vật dụng chế biến và nấu chín thức ăn. Nếu có dấu hiệu bệnh, họ phải ở nhà thay vì ra ngoài, các chuyên gia khuyến cáo, theo Live Science.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục