Sau 1 tháng ngã cầu khỉ, bé gái 6 tuổi phải vào viện gắp mảnh gỗ trong má

Tuấn Bảo, icon
08:00 ngày 23/05/2021

VTV.vn - Bé gái 6 tuổi ở Sóc Trăng được gia đình đưa vào viện khám sau khi phát hiện vùng má phải của bé bị sưng.

Dị vật là mảnh gỗ được lấy ra khỏi má bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Mẹ bé cho biết: Bé mới bị sưng má phải hơn 1 tháng nay sau khi ngã, va đập vào cầu khỉ. Bé đã điều trị nhiều nơi và uống thuốc nhưng không khỏi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ trực nghi ngờ bé bị dị vật má phải sau chấn thương. Bệnh nhi được chụp X-quang và siêu âm.

Trên phim X-quang không phát hiện dị vật kim loại, kết quả siêu âm cho thấy má phải bị viêm mô tế bào, có một dị vật kích thước dài 10mm, cách bề mặt da 15mm, gần sát bề mặt ngang xương hàm dưới.

Bệnh nhi được hội chẩn và sau khi khám đánh giá tình trạng, các bác sĩ quyết định gây mê để mổ hở đường ngoài mặt để dễ xác định và gắp dị vật ra.

Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ rạch một đường dài 3cm theo vết sẹo cũ, bộc lộ đi dần vào khối mô xơ dạng khối cầu có đường kính khoảng 4cm. Tiến hành mở khối xơ, một lượng mủ sệt vàng khoảng 4ml trào ra. Bác sĩ nạo sạch mô viêm, bơm rửa kỹ, rà tìm cẩn thận… nhưng vẫn không tìm thấy dị vật.

Nhóm mổ quyết định mở rộng vùng thám sát rộng ra chu vi chung quanh. Cuối cùng, sau 30 phút tiến hành phẫu thuật, dị vật đã được tìm thấy và lấy ra. Đó là 1 mảnh gỗ màu đen sậm, có nhiều cạnh nhọn, kích thước 8 x 10 x 12 mm, dính chặt vào cấu trúc xơ chung quanh.

Sau lấy dị vật, bệnh nhi được đặt ống dẫn lưu mủ và cho kháng sinh điều trị nhiễm trùng. Hiện tại, vết mổ ổn, bệnh nhi khỏe, đặc biệt là thẩm mỹ vùng hàm mặt đạt yêu cầu.

Theo các bác sĩ, dị vật trong má để lâu có thể di chuyển sâu hơn vào các khoang tế bào gây loét, viêm mô tế bào, hoại tử mô, rò nước bọt, liệt mặt và gây sẹo co kéo, thậm chí gây há miệng hạn chế.

Cách phát hiện: Các trường hợp trẻ có tiền sử chấn thương vùng mặt, vết thương nhiễm trùng kéo dài dai dẳng, không đáp ứng điều trị kháng sinh, mật độ khối sưng chắc, da phủ đỏ, có thể có lỗ dò, ấn chảy mủ… là triệu chứng hay gặp của dị vật trong má.

Nếu nghi ngờ trẻ có dị vật má sau chấn thương thì nên xác định vị trí ngã và tư thế ngã. Nếu dị vật ở nông, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để rửa vết thương và lấy dị vật càng sớm càng tốt.

Nếu dị vật ở sâu, dị vật xuyên thấu xương, dị vật nhiều mảnh vụn... cần đưa bé đến ngay bệnh viện tuyến trên để xử trí kịp thời, hạn chế để lâu dị vật di chuyển sâu hơn và gây nhiều biến chứng viêm nhiễm và hoại tử mô xung quanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục