Sinh bệnh vì… thói quen khó bỏ

Theo Dân trí, icon
05:00 ngày 02/09/2016

VTV.vn - Sở thích ngoáy tai, lấy ráy tai, rửa mũi bằng xi lanh hay cả nhà dùng chung một lọ thuốc nhỏ mắt là những thói quen phổ biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Sở thích lấy ráy tai bằng bông hoặc vật sắc nhọn có thể gây nguy hiểm cho tai. (Ảnh: Dân trí)

Ngoáy tai, lấy ráy tai

Thời gian gần đây, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều trường hợp điều trị, cấp cứu trong tình trạng tai chảy mủ, dịch, máu, bít tắc ống tai hoặc các bệnh như viêm, nấm… mà nguyên nhân là do lấy ráy tai. Việc dùng tăm bông lấy ráy tai là sai lầm phổ biến bởi thực tế, ráy tai có tác dụng bảo vệ da ống tai không bị viêm nhiễm và cũng là lớp đệm để giảm tiếng ồn.

Ráy tai là cơ chế tự bảo vệ của tai, ngăn bụi bẩn, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài đi sâu vào tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Theo cơ chế bình thường, ráy tai sẽ tự rơi ra khỏi ống tai. Việc dùng tăm bông ráy tai không chỉ mang theo vi trùng mới mà còn đẩy một số ráy vào bên trong, khiến bụi bẩn và vi khuẩn cùng với ráy mắc kẹt lại, ảnh hưởng tới thính giác.

Các bác sĩ cũng lưu ý, khi bơi lội hoặc tắm, nước sẽ vào tai gây cảm giác khó chịu nên nhiều người thường ngoáy tai. Chính cách làm này có thể gây trầy xước da ống tai, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập.

Lạm dụng rửa mũi

Nhiều phụ huynh cho rằng, khi thời tiết chuyển mùa nên nhỏ nước muối sinh lý để phòng các bệnh đường hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, nếu rửa mũi quá nhiều lần, ngay cả khi không bị các triệu chứng như chảy nước mũi, sẽ gây hại cho trẻ.

Theo đó, chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi nếu trẻ có triệu chứng ngạt, sổ mũi… Khi trẻ bị sổ mũi, phụ huynh chỉ cần xịt hoặc rửa mũi 3 - 4 lần/ngày. Ngoài ra, cha mẹ không nên dùng miệng của mình để hút mũi cho trẻ vì sẽ làm lây lan mầm bệnh sang bé.

Khi dùng các dụng cụ như xi-lanh để hút mũi, không nên đặt quá sâu và làm quá nhiều lần vì có thể khiến niêm mạc mũi bị phù nề. Việc dùng xi lanh để bơm trực tiếp nước muối sinh lý vào rửa mũi cũng rất nguy hiểm bởi loại dung dịch này có áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ.

Dùng chung thuốc nhỏ mắt

Theo các bác sĩ, một thói quen khác của khá nhiều người là sử dụng chung đồ dùng, thậm chí cả thuốc chữa bệnh mà phổ biến là thuốc nhỏ mắt. Việc dùng chung thuốc này có thể là con đường lây truyền vi khuẩn hoặc bụi bẩn từ người này sang người khác. Khi nhỏ thuốc, không được chạm đầu lọ vào mắt vì có thể khiến các vi khuẩn, bụi bẩn, chất dịch trong mắt bám vào lọ và gây hại cho những lần sử dụng sau.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý, khi mắt bị bụi, cát, muỗi, bọ trên đường bay vào hoặc bị dính hóa chất như xà phòng, sữa tắm..., không nên dụi hay nhờ người khác thổi mắt. Các cách làm này vô tình làm mắt nhiễm trùng nặng thêm vì trong không khí và nước bọt của người thổi thường chứa rất nhiều vi khuẩn, chưa kể việc chà xát sẽ làm rách và tổn thương giác mạc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục