Số ca mắc toàn cầu vượt quá 38 triệu người, nhiều quốc gia siết chặt quy định giãn cách xã hội

Nguyễn Mai, icon
05:24 ngày 13/10/2020

VTV.vn - Tình hình dịch COVID-19 vẫn nghiêm trọng ở một số quốc gia, đặc biệt là châu Âu, khiến giới chức nhiều nơi phải siết chặt biện pháp phòng dịch.

Hệ thống y tế tại Anh lo sợ số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên vào mùa đông tới

Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 10h sáng nay, 13/10 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 38.040.063 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.085.372 ca tử vong. Có hơn 28,59 triệu bệnh nhân hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1% số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tích cực.

Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson và chính phủ nước này nhất trí rằng Anh đang ở giai đoạn đại dịch COVID-19 nghiêm trọng và việc hành động ngay lập tức có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giảm tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh.

Hiện, số ca mắc mới tại Anh đang tăng nhanh trở lại và virus SARS-CoV-2 đang chuyển hướng tấn công từ những nhóm đối tượng thanh niên sang những người già hơn ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson cho biết: Tất cả học sinh các trường tại vùng England sẽ vẫn tham gia kỳ thi kết thúc năm học vào mùa Hè năm 2021, nhưng sẽ chậm lại 3 tuần nhằm bù thời gian học bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Tại Mỹ, giới chức thành phố New York, cuối tuần vừa qua đã thu được 150.000 USD tiền phạt và triệu tập 62 trường hợp không tuân thủ lệnh mới của bang hạn chế tụ tập, bắt buộc đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội để đề phòng nguy cơ bùng phát lại bệnh COVID-19. Những người bị triệu tập đều ở các khu vực "điểm nóng" của thành phố hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất và cuối tuần vừa qua là kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên kể từ khi Thống đốc Andrew Cuomo phải ra lệnh mới hạn chế tụ họp và dừng cho phép các ngành hàng không thiết yếu được hoạt động ở một số địa bàn trên thành phố kể từ ngày 6/10.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người dân thành phố New York một lần nữa lại sống trong tâm trạng hoang mang, nhất là khi các chuyên gia y tế đều bày tỏ quan ngại làn sóng đại dịch thứ 2 có thể xảy ra tại đây vào mùa Đông sắp tới. Chính quyền thành phố New York hiện đang cố gắng ứng phó với thách thức phải kiểm soát được những điểm nóng vừa nổi lên ở các cộng đồng dân cư nhỏ, trước khi virus SARS-CoV-2 có thể lại lây lan ra khắp thành phố.

Đức là một trong số quốc gia châu Âu đã kiểm soát khá tốt đại dịch so với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh, với trên 4.000 ca nhiễm mới/ngày, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Berlin, Frankfurt... Chính phủ Đức đã cảnh báo tình hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở các địa phương, đặc biệt trong việc phân bổ lực lượng truy vết tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh. Cho tới lúc này, Quân đội Đức đã triển khai khoảng 1.300 binh sĩ để hỗ trợ chính quyền các địa phương và tổng số binh sĩ được huy động có thể lên tới 15.000 người. Bộ Quốc phòng cho đến nay cũng đã nhận được khoảng 1.000 đề nghị hỗ trợ từ các chính quyền địa phương. Hiện, Thủ đô Berlin cũng đã áp đặt lệnh cấm hoạt động đối với các nhà hàng, quán bar... từ 23 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Toàn bộ thành phố Berlin đã bị đưa vào danh sách các vùng có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Trong khi đó tại Malaysia, Bộ trưởng cấp cao phụ trách vấn đề an ninh nước này cho biết: Lệnh Kiểm soát di chuyển có điều kiện (CMCO) sẽ được tái áp đặt tại một số địa phương ở nước này nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19. Lệnh kiểm soát đi lại kéo dài hai tuần cho đến hết ngày 26/10, cũng được áp đặt tại một phần Thủ đô Kuala Lumpur, Thủ đô hành chính Putrajaya và bang Selangor, bắt đầu từ ngày mai 14/10. Lệnh này dự kiến ảnh hưởng tới sinh hoạt thường nhật của hơn 7 triệu dân.

Theo quy định này, tại những bang áp đặt CMCO, việc đi lại giữa các quận/huyện sẽ bị cấm. Các trường hợp là nhân viên, người làm công được phép đi lại với điều kiện phải có giấy giới thiệu của chủ doanh nghiệp. Đối với các hộ gia đình, mỗi hộ chỉ được phép 2 người ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm. Trong khi đó, tất cả các cơ sở giáo dục từ nhà trẻ cho đến sau đại học, các nhà thờ, các trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao đều sẽ bị đóng cửa. Các siêu thị, nhà hàng, chợ dân sinh sẽ bị hạn chế thời gian mở cửa. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế vẫn được phép diễn ra như bình thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục