Sử dụng tinh dầu trong nhà thế nào cho đúng?

icon
10:21 ngày 23/02/2017

VTV.vn - Nhiều người sử dụng tinh dầu để xông nhà hoặc xoa bóp, chữa bệnh mà không biết rằng khi sử dụng tinh dầu cũng phải dùng đúng cách mới đạt hiệu quả và an toàn cho sức khỏe.

Tinh dầu xuất hiện rất thường xuyên trong cuộc sống thường ngày, chúng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực hương liệu và y học. Nhiều người sử dụng tinh dầu để xông nhà cho thơm hoặc xoa bóp và chữa bệnh mà không biết rằng khi sử dụng tinh dầu cũng phải dùng đúng cách mới đạt hiệu quả và an toàn cho sức khỏe.

Theo TS Võ Văn Năm - chuyên gia nghiên cứu tinh dầu, trong y học tinh dầu được dùng để sát khuẩn đường hô hấp, chữa cảm, ho, sát khuẩn da, vết thương, vết côn trùng cắn, xoa bóp giúp máu dễ lưu thông khi bị đau mỏi cơ... 

"Có một số tinh dầu nặng như quế, đinh hương, thảo quả, sa nhân, gừng, hồi lại thiên về tác dụng trợ tiêu hóa trong trường hợp ăn không tiêu, no hơi, tiêu chảy. Người ta hay dùng dưới dạng dược liệu chứ ít dùng ở dạng tinh dầu" - ông cho biết. 

Cũng theo TS Võ Văn Năm, một số loại tinh dầu thường gặp và được nhiều người dùng như tràm, bạc hà, oải hương có những tác dụng y học nhất định cũng như những cấm chỉ định đối với một số trường hợp. Đây là điều mà bất cứ ai cũng nên lưu ý khi có ý định sử dụng tinh dầu.

Sử dụng tinh dầu trong nhà thế nào cho đúng? - Ảnh 1.

Tinh dầu Tràm có thành phần chính là cineol (eucalyptol, cajeputol), được sử dụng để chữa ho, sát khuẩn đường hô hấp, xông chữa cảm hoặc xoa bóp ngoài da khi đau nhức hoặc vết côn trùng cắn. Tinh dầu này được dùng rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh và em bé. Khi dùng thì không được để dính vào mắt.

Tinh dầu bạc hà thành phần chính là menthol, là tinh dầu được dùng khá phổ biến trong y học và trong công nghiệp nước giải khát, kẹo, thuốc lá…Trong y học, bạc hà có tác dụng kích thích tiêu hóa, đau bụng tiêu chảy, cảm sốt, nhức đầu, ngạt mũi, giảm stress.Tuy nhiên, không dùng tinh dầu bạc hà cho người có cơ địa dị ứng và trẻ em (sơ sinh – 1 tuổi) vì tinh dầu ức chế hô hấp dễ gây tử vong.

Tinh dầu oải hương có thành phần chính là linalool (45%) và linalyl acetate, có nguồn gốc ở Địa trung hải, được dùng để sát trùng vết thương, thư giãn, giảm stress, chống côn trùng, làm thơm phòng, quần áo… Loại tinh dầu này không dùng cho người bị huyết áp thấp.

Đối với những loại tinh dầu khác thì cần tránh dùng cho những người có cơ địa dị ứng với mùi, đặc biệt, tinh dầu quế có tác dụng làm tăng hô hấp, tăng tuần hoàn và tăng co bóp cơ trên nên phải tránh dùng cho phụ nữ có thai.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục