Sức khỏe con người thay đổi thế nào sau một năm sống trên vũ trụ?

Nguyễn Mai, icon
02:01 ngày 13/04/2019

VTV.vn - Sức khỏe con người gần như được bảo toàn sau một năm sống trên vũ trụ.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu môi trường ngoài vũ trụ có giúp con người trẻ lâu hơn hay không

Đó là kết quả dự án có tên là "Sinh đôi" thu hút rất nhiều sự chú ý của giới khoa học và truyền thông mấy năm trở lại đây của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa được công bố.

Dự án nghiên cứu này là đề tài của hai anh em sinh đôi Scott Kelly và Mark Kelly, cùng là nhà du hành vũ trụ. Theo đó Scott đã thử nghiệm một năm sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để xem cơ thể và sức khỏe của ông thay đổi như thế nào so với người anh em song sinh của mình là Mark sống ở Trái đất.

Theo thông tin của trang Gizmodo chuyên về khoa học công nghệ và khoa học viễn tưởng của Mỹ, NASA cho biết: một năm sống trên ISS trong khoảng thời gian 2015-2016 đã khiến nhà du hành Scott Kelly thay đổi về gene và trọng lượng so với người anh em song sinh Mark Kelly. Cụ thể, những thay đổi có thể nhận thấy ở nhà du hành Scott là động mạch cảnh dày lên, biểu hiện gene thay đổi, võng mạc dày lên và cả khả năng nhận thức cũng khác trước.

Tuy nhiên, hầu hết những thay đổi đó lại trở về bình thường khi ông trở về Trái đất và kết quả nghiên cứu cho thấy sức khỏe con người hầu như được bảo toàn trong thời gian một năm ngoài không gian vũ trụ.

Kết quả của nghiên cứu được tiến hành bởi 10 nhóm các nhà khoa học từ 12 trường đại học khác nhau này đã được đăng tải trên Tạp chí khoa học chuyên ngành Science. Các dữ liệu thu được từ nghiên cứu gồm số liệu đo các chỉ số về nhận thức, sinh lý học và các mẫu máu, huyết tương, nước tiểu, vv...

Tuy vậy, kết quả nghiên cứu cũng chỉ phản ánh cụ thể trường hợp của anh em nhà Kelly và không thể khái quát hóa là kết quả đối với tất cả các nhà du hành vũ trụ khác. Hơn nữa khi sống ở ISS, nhà du hành Scott Kelly vẫn được từ trường Trái đất bảo vệ và chưa bị tiếp xúc sâu với phóng xạ vũ trụ.

Ông J.D. Polk (Pôn-cơ), người phụ trách y tế tại trụ sở NASA cho rằng: nghiên cứu này là một bước quan trọng nhằm tìm ra những loại thuốc phù hợp để giup các nhà du hành giữ được thể trạng khỏe mạnh trong các chuyến thám hiểm vũ trụ dài ngày, nhất là khi NASA sẽ còn có nhiều chuyến du hành lên mặt Trăng và tới Sao Hỏa.

Những thay đổi đối với Scott so với chính ông khi ở Trái đất và so với người anh em sinh đôi của ông sống ở Trái đất giúp chúng ta hiểu được những chuyến du hành vũ trụ dài ngày ảnh hưởng tới cơ thể con người như thế nào. Theo nhóm nghiên cứu, mắt của Scott xuất hiện dây thần kinh võng mạc dày hơn sau vài tháng - một hiện tượng cũng xảy ra với một số các nhà du hành trở về từ những chuyến thám hiểm dài ngày nhưng không phải tất cả đều bị như vậy. Thay đổi đó có thể do nguyên nhân vi trọng lực của vũ trụ nhưng các nhà khoa học cũng cho rằng: gene di truyền đóng một phần vai trò trong việc nhà du hành có dễ bi ảnh hưởng bởi các thay đổi hay không.

Mặc dù sức khỏe của ông Scott Kelly hầu như không thay đổi khi trở lại Trái đất thì những chức năng não bộ của ông như khả năng suy xét chính xác và tinh nhanh lại bị giảm một cách rõ rệt, kể cả khi ông đã trở về trái đất được 6 tháng.

NASA cho biết: dự án nghiên cứu hai nhà du hành sinh đôi này mới chỉ là khởi đầu chương trình nghiên cứu sức khỏe con người khi sống trong vũ trụ và trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu khác với nhiều nhà du hành vũ trụ khác nhau để có thể thu thập được nhiều dữ liệu hơn nữa về những ảnh hưởng của không gian vũ trụ lên thể trạng và sức khỏe của con người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục