Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Văn Hùng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh ung thư có thể mang đến nhiều mức độ cảm xúc và thay đổi tâm lý của một người mà trước khi phát hiện bệnh chưa từng gặp phải. Mỗi bệnh nhân ung thư sẽ có những phản ứng tâm lý khác nhau, có thể thay đổi hàng ngày, hàng giờ hoặc thậm chí từng phút.
Sự xuất hiện cũng như mức độ trầm trọng của những vấn đề tâm lý biểu hiện khác nhau giữa các bệnh nhân, đồng thời cũng có thể thay đổi ở các thời điểm trên một bệnh nhân.
Về cơ bản, đó là những biểu hiện bình thường. Do đó, nhân viên y tế cần thông cảm, thấu hiểu và nhận biết được những vấn đề tâm lý mà bệnh nhân ung thư gặp phải để có thể tư vấn, xử trí phù hợp.
Sự choáng ngợp
Khi bệnh nhân được báo tin rằng mình bị ung thư, họ có thể cảm thấy cuộc sống của mình nằm ngoài tầm kiểm soát. Điều này có thể do những suy nghĩ như: Lo lắng về sự sống/chết của bản thân; Công việc bị gián đoạn bởi các lần khám và điều trị của bác sĩ; Nhân viên y tế sử dụng các thuật ngữ y học mà họ không hiểu; Cảm thấy không thể làm những điều mình thích; Cảm thấy bất lực và cô đơn.
Điều tốt nhất mà nhân viên y tế có thể hỗ trợ cho bệnh nhân đó là cung cấp thật chi tiết và dễ hiểu những thông tin về bệnh ung thư và các phương pháp điều trị, đồng thời khuyến khích bệnh nhân tìm hiểu kỹ càng về bệnh của mình cũng như những phương pháp điều trị phù hợp nhất đối với họ.
Đối với một số người bệnh, họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi bận rộn. Do đó, hãy khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các hoạt động như âm nhạc, công việc thủ công, đọc sách hoặc học một điều gì đó mới mẻ.
Sự cự tuyệt
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư, họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận thực tế. Điều này gọi là phản ứng cự tuyệt. Đôi khi phản ứng cự tuyệt là một vấn đề nghiêm trọng. Có những bệnh nhân quá sợ hãi khi biết mình bị ung thư, họ sẽ tìm đến rất nhiều các cơ sở y tế khác nhau để khẳng định lại chẩn đoán. Điều này khi kéo dài quá lâu sẽ khiến bệnh nhân không được điều trị kịp thời và bỏ lỡ cơ hội điều trị triệt căn.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều vượt qua phản ứng cự tuyệt này. Thông thường vào lúc bắt đầu điều trị, bệnh nhân đã chấp nhận thực tế là họ bị ung thư và sẵn sàng tiến lên phía trước đối mặt với bệnh tật. Việc này là hoàn toàn đúng đắn, đối với cả bệnh nhân và người nhà của họ.
Sự tức giận
Các bệnh nhân ung thư hay tự đặt câu hỏi: "Tại sao lại là tôi?" và tức giận với căn bệnh ung thư của mình. Họ thậm chí cảm thấy tức giận hoặc oán hận đối với các nhân viên y tế, những bạn bè đang khỏe mạnh và cả những người thân yêu của mình. Và nếu bệnh nhân là người tôn giáo, họ có thể cảm thấy tức giận với Thượng đế. Tức giận thường xuất phát từ những cảm xúc khó biểu hiện ra bên ngoài, ví dụ như: Sợ hãi, hoảng loạn, thất vọng, lo lắng, bất lực.
Nếu bệnh nhân của bạn cảm thấy hay tức giận, hãy tư vấn rằng họ không nên giả vờ rằng mọi thứ đều ổn và không tốt chút nào khi họ cứ giữ mọi thứ ở bên trong. Hãy khuyến khích họ nói chuyện với gia đình, bạn bè về sự tức giận đó. Hoặc có thể giới thiệu họ đến gặp một chuyên gia tư vấn tâm lý.
Sự sợ hãi và lo lắng
Bệnh nhân ung thư có thể sợ hãi hoặc lo lắng về nhiều vấn đề như: Bị đau do ung thư hoặc do điều trị; Cảm giác không còn sức lực, ngoại hình thay đổi; Việc chăm sóc gia đình bị bỏ dở; Viện phí quá cao; Không thể duy trì công việc hiện tại; Cái chết.
Một số người sợ hãi bệnh ung thư dựa trên những câu chuyện, tin đồn, hoặc thông tin sai lệch. Để đương đầu với nỗi sợ hãi và lo lắng, việc nắm được thông tin đúng đắn sẽ giúp ích cho bệnh nhân. Hầu hết họ sẽ cảm thấy tốt hơn khi tìm hiểu sự thật, đỡ lo lắng và biết những gì mình mong đợi.
Hãy khuyến khích bệnh nhân tìm hiểu về căn bệnh ung thư đang mắc và những điều có thể làm để chăm sóc sức khỏe của chính mình. Một số nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng: Những người nắm được thông tin đầy đủ về bệnh tật và công tác điều trị có nhiều khả năng tuân thủ phác đồ và phục hồi nhanh hơn so với những bệnh nhân không hiểu biết đầy đủ thông tin.
Sự hy vọng
Khi một người chấp nhận rằng mình bị ung thư, họ thường cảm thấy hy vọng, bởi nhiều lý do. Hàng triệu người bị ung thư vẫn sống đến ngày hôm nay và hoàn toàn có thể có cuộc sống năng động, ngay cả khi đang điều trị.
Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy sự hy vọng có thể giúp cơ thể bệnh nhân đối phó với bệnh. Vì vậy, kích thích sự hy vọng và thái độ tích cực của bệnh nhân trong quá trình điều trị là rất quan trọng: Lên kế hoạch hàng ngày như cách họ vẫn làm; Không giới hạn những điều họ muốn làm chỉ vì họ bị ung thư; Tìm kiếm lý do để có hy vọng; Dành thời gian với thiên nhiên; Suy ngẫm về niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh; Lắng nghe câu chuyện về những người bị ung thư đang có cuộc sống năng động.
Sự căng thẳng và cực kỳ lo lắng
Cả trong và sau khi điều trị, căng thẳng xảy ra là điều bình thường với những thay đổi trong cuộc sống mà một bệnh nhân thường trải qua. Cực kỳ lo lắng có nghĩa là bệnh nhân lo lắng rất nhiều, không thể thư giãn và luôn cảm thấy căng thẳng.
Biểu hiện như: Tim đập nhanh hơn; Đau đầu hoặc đau cơ; Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn; Cảm thấy khó chịu ở bụng hoặc bị tiêu chảy; Cảm thấy run rẩy, yếu hoặc chóng mặt; Cảm giác thắt nghẹn ở cổ họng và ngực; Ngủ quá nhiều hoặc quá ít; Khó tập trung.
Căng thẳng có thể làm cản trở quá trình hồi phục của bệnh nhân. Nếu quá lo lắng và căng thẳng, hãy khuyên họ gặp chuyên gia tư vấn tâm lý, hỗ trợ họ tìm cách kiểm soát và không để căng thẳng điều khiển bản thân.
Sự buồn bã và trầm cảm
Nhiều bệnh nhân ung thư cảm thấy buồn bã, chán nản, mất đi sức khỏe cũng như cuộc sống trước khi bị bệnh. Ngay cả khi đã kết thúc việc điều trị, họ vẫn có thể cảm thấy điều đó. Đây là một phản ứng bình thường đối với bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào. Bệnh nhân cần thời gian để vượt qua và chấp nhận tất cả các thay đổi đang diễn ra.
Biểu hiện thường gặp là họ cảm thấy ít năng lượng, mệt mỏi, chán ăn. Đối với một số người, những cảm xúc này biến mất hoặc giảm đi theo thời gian. Nhưng đối với số khác, những cảm xúc này có thể trở nên trầm trọng và kéo dài, đó là biểu hiện của trầm cảm.
Nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây kéo dài hơn 2 tuần, hãy tư vấn họ đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị.
Dấu hiệu cảm xúc: Cảm giác buồn bã không biến mất; Cảm thấy tê liệt cảm xúc; Lo lắng hoặc run rẩy; Có cảm giác tội lỗi hoặc cảm thấy không xứng đáng; Cảm thấy bất lực, vô vọng, như thể cuộc sống không có ý nghĩa; Dễ nổi nóng hoặc ủ rũ; Khó tập trung, dễ bị phân tán; Khóc trong thời gian dài hoặc nhiều lần trong ngày; Tập trung vào những lo lắng và các vấn đề; Không quan tâm đến sở thích và hoạt động đã từng thích; Khó khăn trong việc tận hưởng những thứ hàng ngày, chẳng hạn như thức ăn hoặc ở cùng gia đình, bạn bè; Suy nghĩ về việc làm tổn thương bản thân; Suy nghĩ về việc tự sát.
Thay đổi cơ thể: Tăng hoặc giảm cân ngoài ý muốn không phải do bệnh tật hoặc điều trị; Các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như không thể ngủ, gặp ác mộng hoặc ngủ quá nhiều; Tim đập nhanh, khô miệng, vã mồ hôi, đau bụng, tiêu chảy; Thay đổi mức năng lượng; Mệt mỏi không biến mất; Đau đầu và những cơn đau khác.
Cảm giác tội lỗi
Nhiều người bị ung thư thường cảm thấy tội lỗi. Họ có thể đổ lỗi bản thân làm người thân buồn, hoặc lo lắng rằng bản thân họ là một gánh nặng. Hoặc có thể cảm thấy đố kị với sức khỏe của mọi người và hổ thẹn về cảm xúc này.
Họ thậm chí đổ lỗi cho bản thân vì lựa chọn cách sống, thói quen sinh hoạt là nguyên nhân gây ung thư. Việc cần làm là cung cấp cho bệnh nhân chính xác những thông tin về bệnh, chia sẻ, giải thích các vấn đề liên quan. Điều này có thể giúp bệnh nhân cảm giác dễ chịu hơn và không đổ lỗi cho bản thân nữa. Nếu tình trạng bệnh nhân không cải thiện, hãy tư vấn họ gặp chuyên gia tư vấn tâm lý.
Sự cô đơn
Những người mắc ung thư thường cảm thấy cô độc và có khoảng cách với người khác. Điều này có thể đến từ nhiều lý do: Đôi khi người thân cảm thấy khó khăn khi đối mặt với ung thư và có thể không đến thăm hay gọi điện cho bệnh nhân. Họ có thể cảm thấy quá mệt để tham gia vào những sở thích hay những hoạt động từng yêu thích, dẫn đến cảm giác bị cách ly với cuộc sống thường ngày. Đôi lúc, ngay cả khi đang ở bên người thân, họ vẫn có thể cảm thấy rằng không ai hiểu được những gì họ đang trải qua.
Cảm giác đơn độc sau điều trị là rất bình thường. Nhiều người có cảm giác rằng sự an toàn của họ trở nên xa vời và ít nhận được sự chú ý hơn. Điều này thường khiến họ cảm thấy xa cách với một số bạn bè, người thân. Hãy động viên bệnh nhân chia sẻ những suy nghĩ của mình với người họ tin tưởng, đồng thời tìm đến nhân viên y tế khi có thắc mắc về bệnh. Khuyến khích bệnh nhân khám định kỳ sau điều trị là rất quan trọng, vừa để theo dõi tình trạng bệnh, vừa mang lại cảm giác nhận được sự quan tâm. Bệnh nhân có thể nhớ đến những hỗ trợ mà họ nhận được từ nhân viên y tế trong quá trình điều trị.
Lòng biết ơn
Một số người nhìn nhận ung thư như một "cú hích thức tỉnh bản thân". Họ nhận ra tầm quan trọng của việc tận hưởng từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Họ đi đến những nơi chưa từng đi, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè, hàn gắn những mối quan hệ đã từng đổ vỡ…
Hãy động viên bệnh nhân làm những điều đặc biệt hơn, như hòa mình vào thiên nhiên, chơi một môn thể thao yêu thích hay nấu một bữa ăn ngon… Điều đó giúp họ cảm giác trân trọng những việc có thể làm ngay cả khi mắc ung thư và có thêm nghị lực, quyết tâm điều trị bệnh.
Lời khuyên cho bệnh nhân ung thư khi đương đầu với cảm xúc của mình:
Hãy thể hiện cảm xúc bản thân.
Nhìn vào những điều tích cực và bản thân có thể kiểm soát.
Đừng tự trách bản thân.
Đừng cố gắng tỏ ra vui vẻ khi bản thân không cảm thấy như vậy.
Tìm cách giúp bản thân thư giãn.
Trở nên năng động nhất có thể.
Tìm kiếm những điều yêu thích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
VTV.vn - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Y tế thành phố trong năm 2024.
VTV.vn - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa cứu sống một bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn kháng trị nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo).
VTV.vn - Các bác sĩ Khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 12 tuổi, mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ.
VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bé gái bị viêm màng não.
VTV.vn - Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, bé gái 2 tháng tuổi, dân tộc Mông, ở Văn Chấn, Yên Bái xuất hiện dấu hiệu ban đầu với ban sẩn đỏ rải rác ở vùng mông.
VTV.vn - Đó là chỉ đạo của PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng như tinh thần của toàn thể các chuyên gia đầu ngành, y bác sĩ bệnh viện.
VTV.vn - Người phụ nữ 25 tuổi, ở Hà Nội, bị biến dạng mũi, thủng mũi do căng chỉ nâng mũi sau 3 tháng thực hiện tại một cơ sở làm đẹp gần nhà.
VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận liên tiếp các ca bị đột quỵ. So với năm ngoái, mùa Đông năm nay số ca đột quỵ nhập viện đang gia tăng.
VTV.vn - Theo báo cáo, nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi tại Đồng Nai chiếm 12%, CDC Đồng Nai đề xuất mở rộng tiêm vaccine phòng sởi cho nhóm đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi.
VTV.vn - Việc sở hữu một gương mặt thon gọn, thanh tú, hài hòa đường nét là mơ ước của các chị em. Không ai sinh ra đã được “trời ban” cho vẻ đẹp hoàn hảo, vậy đâu là giải pháp?
VTV.vn - Cụ bà 85 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng bị viêm phúc mạc toàn thể do thủng ổ loét dạ dày tá tràng được đưa đến cấp cứu muộn.
VTV.vn - Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế TP Biên Hòa (Đồng Nai), trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhi 12 tuổi tại phường Long Bình Tân mắc bệnh não mô cầu.
VTV.vn - Chỉ chưa đầy một tuần (từ ngày 14-18/12), trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp ghi nhận 5 bệnh nhi bị đa chấn thương do nổ pháo tự chế.
VTV.vn - Trong nhiều thế kỷ, rong biển chứa fucoidan đã được đánh giá cao vì đặc tính dinh dưỡng và trị liệu của chúng.
VTV.vn - Care For Việt Nam tham gia chương trình khám sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn đái tháo đường và tặng quà cho hơn 1.000 người dân tại 3 tỉnh Lào Cai, Nghệ An và Hà Nội.