Tầm quan trọng của bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân HIV/AIDS

Mỹ Hạnh, icon
11:02 ngày 26/12/2018

VTV.vn - Từ 1/1/2019, thuốc ARV được đưa vào danh mục thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Bệnh nhân đến khám và lấy thuốc ARV.

Quy định này mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, hiện tại số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống HIV/AIDS.

Theo bác sĩ Chu Đức Thảo - Trưởng Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 591 bệnh nhân tham gia điều trị ARV ở 3 cơ sở đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột. Từ năm 2017, nguồn viện trợ điều trị miễn phí thuốc kháng virus ARV cho người nhiễm HIV từ các dự án quốc tế bị cắt giảm khiến công tác phòng, chống HIV/AIDS và điều trị cho người bệnh gặp nhiều khó khăn. 

Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam chính thức dừng hỗ trợ chi trả thuốc điều trị và xét nghiệm cho bệnh nhân HIV/AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải tự chi trả khi điều trị. Cũng từ ngày 1/1/2019, Nhà nước sẽ thanh toán thông qua Quỹ bảo hiểm y tế đối với thuốc ARV và các dịch vụ điều trị khác nếu bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV. Hiện tại, chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc ARV theo phác đồ 1 của một bệnh nhân HIV là khoảng 4 triệu đồng/người/năm, còn điều trị theo phác đồ 2 bệnh nhân kháng thuốc cao gấp khoảng 7 - 8 lần.

Thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho thấy: trong số 591 bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV nói trên, có 449 người có thẻ bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ 75%. 142 trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế còn lại chủ yếu rơi vào các đối tượng: không có thu nhập ổn định hoặc không đủ khả năng mua thẻ bảo hiểm y tế, nhất là khi phải mua theo hộ gia đình; người bệnh không có giấy tờ tùy thân; người bệnh từ tỉnh khác đến.

Cũng theo bác sĩ Chu Đức Thảo, ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của vi rút HIV trong cơ thể người bệnh. Ở nước ta, thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS.

Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về AIDS, việc điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Không những thế, việc điều trị ARV còn giúp giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị cũng như dự phòng. Đặc biệt, khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục học tập và lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thuốc kháng virus ARV không còn được tài trợ như trước thì việc đảm bảo cho người nhiễm HIV duy trì điều trị đều đặn là một vấn đề rất khó khăn. Bởi, phần lớn người nhiễm HIV trên địa bàn đều là người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện tự chi trả chi phí điều trị; số khác thì lo bị kỳ thị, phân biệt, đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia bảo hiểm y tế.

Để hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế vào năm 2020, thời gian qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường tuyên truyền, vận động làm cho người bệnh nhận thức đúng về lợi ích của bảo hiểm y tế, từ đó chủ động tham gia. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã lập danh sách các bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV chưa có thẻ bảo hiểm y tế để tham mưu cho Sở Y tế làm tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế thì bản thân người người nhiễm HIV và gia đình người bệnh cần ý thức và thấy rõ lợi ích mà bảo hiểm y tế đem lại để tham gia bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh cho bản thân mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục