Tạo hình thành công cho nhiều bệnh nhân khuyết hổng vùng đầu mặt cổ

Tuấn Bảo, icon
08:29 ngày 07/08/2018

VTV.vn - Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) áp dụng kỹ thuật tạo hình tái tạo khuyết hổng vùng đầu mặt cổ cho nhiều bệnh nhân với tỷ lệ thành công trên 95%.

Các bác sĩ sử dụng vạt mũi má để che phủ tổn thương ở bệnh nhân bị ung thư da vùng cánh mũi.

TS.BS Nguyễn Văn Thanh - Trưởng đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ cho biết: các hình thái tổn thương khuyết hổng vùng đầu mặt cổ tại bệnh viện thường do các nguyên nhân như ung thư da, u sắc tố lành tính và chấn thương. Để giải quyết các khuyết hổng vùng mặt cổ thì có 2 kỹ thuật đó là sử dụng vạt da tại chỗ và vạt da vi phẫu.

Đối với vạt tại chỗ có 3 loại vạt là: vạt mũi má, vạt dưới cằm và vạt ngẫu nhiên. Còn vạt vi phẫu thì sử dụng vạt đùi trước ngoài. Vạt da tại chỗ có thể sử dụng vạt ngẫu nhiên hoặc vạt nhánh xuyên. Còn vạt vi phẫu thì có thể sử dụng vạt nhánh xuyên hoặc vạt trục.

Tạo hình thành công cho nhiều bệnh nhân khuyết hổng vùng đầu mặt cổ - Ảnh 1.

Tạo hình lại vùng má của bệnh nhân nam 62 tuổi bị tổn thương do ung thư da vùng má.

Đặc điểm cấu trúc giải phẫu vùng mặt gồm một số cơ quan: mũi, mắt, môi; ngoài đảm nhiệm chức năng cho cơ thể, còn có vai trò quan trọng trong thẩm mỹ của mỗi cá nhân và ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ trong xã hội.

Tạo hình khuyết hổng tại các vị trí này đòi hỏi tính thẩm mỹ cao để sau khi loại bỏ khối u thì bệnh nhân trở lại tái hòa nhập xã hội với sự tự tin vượt qua được mặc cảm.

Ưu điểm của vạt da tại chỗ đó là cùng trên vùng mặt nên có cấu trúc giải phẫu tương tự, màu sắc da tương hợp với vùng mặt do đó kết quả điều trị mang tính thẩm mỹ cao.

Tạo hình thành công cho nhiều bệnh nhân khuyết hổng vùng đầu mặt cổ - Ảnh 2.

Tái tạo bằng vạt da nhánh xuyên động mạch mặt cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông mất hết môi trên.

Quan trọng nhất của một vạt da là diện tích vạt da và nguồn cấp máu, nên phẫu thuật viên cần nắm rõ giải phẫu về mạch máu và cấp máu cho vùng mặt để có thể xoay chuyển vạt da phục vụ cho việc tạo hình tái tạo khuyết hổng, trong đó mạch máu vùng mặt chủ yếu từ động mạch cảnh ngoài.

Các tổn thương ung thư da có khi kích thước từ nhỏ như nốt ruồi cho đến các tổn thương lan rộng. Tuy nhiên dù kích thước nhỏ thì việc loại bỏ khối u cần được cắt rộng ra đến các mô lành và do đó tạo thành khuyết hổng lớn trên mặt bệnh nhân.

Khuyết hổng lớn thì không thể khâu tại chỗ được vì sẽ gây mất thẩm mỹ, biến dạng các cơ quan chức năng như là môi, mắt. Trong các trường hợp này, sử dụng vạt da tại chỗ có thể đáp ứng được những yêu cầu về thẩm mỹ.

Còn đối với các khuyết hổng có kích thước lớn cần mô che phủ nhiều thì cần đến vạt da vi phẫu (lấy mô da từ xa, ở đùi của chính bệnh nhân và chuyển ghép vi phẫu lên vùng mặt).

Theo kết quả báo cáo của TS. BS Nguyễn Văn Thanh, trong 52 trường hợp bị tổn thương gây khuyết hổng vùng đầu mặt cổ được thực hiện kỹ thuật tạo hình tái tạo bằng vạt da tại bệnh viện có đến 40 trường hợp là do ung thư da, còn lại 12 trường hợp là nguyên nhân do u sắc tố lành tính và chấn thương.

Đến nay, quá trình thực hiện kỹ thuật tạo hình tái tạo khuyết hổng vùng đầu mặt cổ tại Bệnh viện Nhân Dân 115: kết quả tốt chiếm gần 95% tổng số ca thực hiện, kết quả trung bình chiếm hơn 5% và không có trường hợp nào vạt da bị chết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục