Tiêu chảy - Tác dụng phụ khi dùng kháng sinh

Tuấn Bảo, icon
08:35 ngày 05/06/2018

VTV.vn - Một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất là tiêu chảy, chiếm tới gần 20% số người đang phải dùng kháng sinh để điều trị.

Hình minh họa (Ảnh: Momjunction)

Kháng sinh là loại thuốc đặc hiệu trong điều trị nhiễm khuẩn. Giống như những loại thuốc khác, kháng sinh cũng có các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí hay gặp hơn.

Nguyên nhân tiêu chảy khi dùng kháng sinh

Hệ vi khuẩn đường ruột duy trì cân bằng với số lượng vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế. Lợi khuẩn đóng vai trò kìm hãm các vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột. Việc sử dụng kháng sinh sẽ ức chế hoặc thậm chí tiêu diệt các lợi khuẩn trong khi tiêu diệt loại gây bệnh.

Vi khuẩn kỵ khí clostridium difficile là thủ phạm chính gây nên phần lớn các trường hợp tiêu chảy do dùng kháng sinh. Ngoài ra còn do cơ thể người mẫn cảm với kháng sinh.

Biểu hiện và nguy cơ của tiêu chảy do kháng sinh

Tiêu chảy xảy ra trong hoặc sau khi dùng kháng sinh, có các triệu chứng thay đổi từ nhẹ tới nặng như: sôi bụng, đau bụng, bụng trướng nhẹ, tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng. Nghiêm trọng hơn, có thể có các triệu chứng của viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc như: sốt cao, tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng có máu, đau quặn bụng, buồn nôn và nôn. Tiêu chảy kéo dài gây mất nước nặng, rối loạn điện giải. Một số trường hợp gây viêm loét, thủng ruột, phình đại tràng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc cơ thể.

Xử trí khi bị tiêu chảy do dùng kháng sinh

Trường hợp bị tiêu chảy nhẹ, các triệu chứng sẽ hết trong vài ngày tới 2 tuần sau khi dừng sử dụng kháng sinh. Trường hợp tiêu chảy nặng, cần phải dừng ngay loại kháng sinh có liên quan đến tiêu chảy. Khẩn trương bù nước và điện giải.

Thay đổi chế độ ăn, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Tránh ăn nhiều chất xơ và các chất lên men mạnh, các gia vị gây kích thích đường tiêu hóa như ớt, hạt tiêu...

Uống nhiều nước. Tránh đồ uống có gas, nước ép cam quýt, rượu, cà phê vì có thể làm cho triệu chứng nặng hơn.

Điều quan trọng nhất là phải đến bác sĩ để được sử trí đúng cách sau khi các cách đơn giản nêu trên không hiệu quả. Chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết và có chỉ định của thầy thuốc. Dùng thuốc theo đơn, không tăng liều hoặc dùng thuốc lâu hơn đơn bác sĩ kê.

Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy. Các thuốc này có thể cản trở khả năng loại bỏ độc tố của cơ thể và gây biến chứng. Sau khi khỏi bệnh, nên tránh dùng loại kháng sinh đã gây tiêu chảy trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục