Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu: Lo sợ nhưng cũng đành chịu thôi!

Nguyễn Liên, icon
09:35 ngày 28/07/2018

VTV.vn - Đó là chia sẻ của không ít người dân trước thông tin gần một nửa số người Hà Nội được xét nghiệm ngẫu nhiên có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu.

Rau củ quả bày bán tại một khu chợ.

Cách đây ít ngày, một số trang báo thông tin về việc lấy mẫu xét nghiệm định tính định kì trên các mẫu ngẫu nhiên về nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu đối với nhóm 67 người ở Hà Nội do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tiến hành. Cụ thể: trong số 67 người được xét nghiệm, có tới gần 50% số người tham gia có thuốc bảo vệ thực vật lưu tồn trong máu. Đáng ngại hơn là hầu hết các đối tượng không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân.

Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết: không chỉ người trực tiếp sản xuất, mà người sử dụng, từ thành thị đến nông thôn đều có nguy cơ cao hấp thụ thuốc trừ sâu vào máu. Trên thực tế, việc hấp thụ thuốc bảo vệ thực vật xảy ra khi hít phải, uống phải hoặc tiếp xúc qua da và niêm mạc. Do đó, nhiều người dù không tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu nhưng trực tiếp sử dụng các sản phẩm rau, hoa quả còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hít phải đều bị nhiễm.

Trước thông tin này, nhiều người dân tỏ ra khá lo lắng. Chị Đỗ Khánh Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hoang mang: "Mình là sinh viên, trọ xa nên hàng ngày vẫn phải ra chợ mua rau củ về nấu nướng. Nếu những người phun thuốc bảo vệ thực vật không coi trọng mạng người, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt chứ không nghĩ đến hậu quả sau này thì chắc mình cũng là nạn nhân rồi".

Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu: Lo sợ nhưng cũng đành chịu thôi! - Ảnh 1.

Những khu chợ dân sinh không thể thiếu những sạp rau củ quả được bày bán.

Một số người khác thì bình tĩnh hơn vì theo họ thông tin này mới nhưng không phải khó dự đoán: "Mình cũng rất lo, nhưng mình không cảm thấy bất ngờ lắm vì thực tế báo đài vẫn nói về vấn đề thực phẩm không đảm bảo an toàn suốt. Mình còn hay ăn bên ngoài nữa nên thực phẩm lại càng không đảm bảo. Có khi mình cũng đang là nạn nhân. Nếu họ mở rộng quy mô, xét nghiệm nhiều người hơn thì mình nghĩ con số còn cao hơn như thế. Muốn hạn chế tình trạng này thì cơ quan chức năng phải vào cuộc chứ người dân như mình thì cũng không biết sao" – Anh Nguyễn Xuân Tùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Từ mối lo thực phẩm bẩn, không an toàn, nhiều người đã thay đổi thói quen mua hàng hay tự tăng gia sản xuất để "an lòng" hơn.

Chị Lê Khánh Linh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: bản thân thường lựa chọn tin tưởng rau trong siêu thị thay vì ra chợ dân sinh: "Mình hay mua rau trong siêu thị vì mình nghĩ nó sẽ đảm bảo hơn một chút, còn rau ở ngoài chợ mình hạn chế mua hơn. Mình thấy việc người dân phun thuốc bảo vệ thực vật vào rau củ là phổ biến hiện nay rồi nên tránh được bao nhiêu thì tránh".

Chị Nguyễn Thị Làn(quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì trồng hẳn một vườn rau nhỏ sau nhà cho bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, chị cũng không tránh khỏi những lúc phải ra chợ: "Bình thường gia đình tôi chỉ ăn rau dưa nhà tự trồng nhưng cũng có những hôm phải "đổi món", hay muốn mua hoa quả thì phải ra chợ. Tôi thực sự cũng lo lắm nhưng biết sao giờ, nhà không trồng được tất cả thì phải chịu thôi".

Biết rõ những thực phẩm xung quanh mình có thể không an toàn, thế nhưng nhiều người dân không còn cách nào khác ngoài việc tự nhủ "cũng đành thôi" như chị Làn. Tỷ lệ người nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong máu có thể sẽ còn tăng cao có lẽ sẽ là điều không đáng ngạc nhiên khi việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn tràn lan, còn người dân thì không ít người "cũng đành thôi" như vậy. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!.

Cùng chuyên mục