TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 74 ca đậu mùa khỉ, 73% dương tính với HIV

Theo SKĐS, icon
01:04 ngày 28/11/2023

VTV.vn - Sau một thời gian dài không phát hiện ca bệnh, từ tháng 9/2023 đến nay, TP. Hồ Chí Minh liên tục ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Hình minh họa.

Thông tin trên được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế khi đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2022, TP ghi nhận trường hợp mắc Mpox đầu tiên tại Việt Nam. Đến ngày 19/11/2023, TP. Hồ Chí Minh có tổng cộng 91 trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, 82 trường hợp đã có kết quả dương tính (90,1%). Trong đó, 74 trường hợp lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh và 8 trường hợp lưu trú tại các tỉnh.

Số ca bệnh đậu mùa khỉ tử vong là 2 ca, cả 2 bệnh nhân đều có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng. 100% ca bệnh là nam giới, 76% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong số các trường hợp đã biết về tình trạng nhiễm HIV có 73% ca bệnh dương tính với HIV (67/74). Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30 – 39 tuổi (53%).

Về hình thức điều trị, 53% ca bệnh cách ly điều trị tại bệnh viện, 47% ca bệnh tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Hiện tại còn 33 trường hợp đang cách ly điều trị (21 trường hợp cách ly tại nhà và 12 trường hợp cách ly tại bệnh viện).

Về truy vết, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần, ghi nhận 4/105 trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc Mpox dương tính. Tất cả các trường hợp này đều có tiếp xúc thân mật hoặc quan hệ tình dục với ca bệnh.

Cũng theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 5/2022, sau khi cảnh báo về sự bùng phát của Mpox tại các nước trên thế giới, Sở Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn giám sát, phát hiện và xử trí các trường hợp nghi ngờ Mpox tại cửa khẩu và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị y tế dự phòng trên toàn thành phố.

Ngay sau khi phát hiện trường hợp Mpox vào tháng 9/2023 vừa qua, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị tăng cường thực hiện các hoạt động giám sát bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, qua thực tế, xuất hiện một số khó khăn tồn tại trong công tác phòng chống dịch Mpox trên địa bàn.

Thứ nhất, đó là việc phát hiện ca bệnh trễ hoặc bỏ sót do nhân viên y tế không nghĩ đến Mpox khi gặp trường hợp có triệu chứng nghi ngờ. Ngoài ra, do bệnh Mpox vẫn còn khá mới với người dân, người bệnh không biết các dấu hiệu của bệnh hoặc không nghĩ bản thân có thể mắc bệnh nên không đi khám hoặc tìm đến cơ sở y tế muộn. Vì vậy cần tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế và tăng cường truyền thông hướng dẫn phát hiện bệnh bằng những hình ảnh trực quan sinh động.

Thứ hai, công tác điều tra, truy vết rất khó khăn khi khai thác các thông tin liên quan đến hành vi nguy cơ và người tiếp xúc gần. Vấn đề này dẫn đến không thể tìm được nguồn lây cũng như không thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, khiến cho số ca bệnh vẫn còn tiếp tục gia tăng. Do đó cần phát huy sự tham gia của các tình nguyện viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Thứ ba, quy định cách ly y tế cũng là một trở ngại khi hướng dẫn giám sát hiện hành đối với bệnh Mpox là phải cách ly tại cơ sở y tế, làm cho bệnh nhân e ngại, không muốn khai báo.

Theo đó, Sở Y tế kiến nghị đề xuất với Bộ Y tế, Mpox là bệnh truyền nhiễm nhóm B và theo Luật Khám, chữa bệnh thì bệnh nhân mắc Mpox không thuộc đối tượng bắt buộc cách ly điều trị. Do đó, Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế sớm điều chỉnh quy định "cách ly tại cơ sở y tế" đối với Mpox.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn với mật độ dân cư cao, quần thể thuộc nhóm nguy cơ cao có số lượng lớn nên việc tiêm phòng vaccine cho đối tượng nguy cơ là rất cần thiết và cần triển khai sớm để hạn chế tối đa số ca mắc, tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục