TP. Hồ Chí Minh: Số ca mắc tay chân miệng tăng hơn 19%

Linh Chi, icon
06:00 ngày 06/06/2022

VTV.vn - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố trong tuần 22 là 977 ca, tăng 19,5% so với trung bình 4 tuần trước.

Hình minh họa.

Trong tuần 22 (27/5 - 2/6), thành phố ghi nhận thêm 977 ca bệnh tay chân miệng, tăng 159 ca (19,5%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP. Thủ Đức (20/22 quận, huyện) trừ quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 12 (quận Tân Bình), xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), phường Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức).

Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 21 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại 8 quận huyện (quận 3, quận 7, quận 11, quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Bình Thạnh, Nhà Bè), tăng so với tuần 21 (20 ổ dịch). Số ổ dịch tích lũy đến tuần 22 năm 2022 là 47 ổ dịch. Tất cả các ổ dịch đều được xử lý kịp thời.

Trong 5 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận tổng cộng 4.768 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3 - 5 và tháng 8 - 9 hằng năm. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Việc huấn luyện cho trẻ, người chăm sóc trẻ về vệ sinh cá nhân nhất là việc rửa tay thường xuyên với xà phòng là rất quan trọng.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám như:

- Sốt nhẹ hoặc vừa; mệt mỏi.

- Đau họng; chảy nước bọt nhiều; tổn thương và đau rát ở răng hoặc chân răng.

- Phát ban dạng phỏng nước 2-10mm màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, sờ cộm, không đau, không ngứa; vết loét ở niêm mạc má, lợi và lưỡi.

6. Theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đưa trẻ đến nhập viện ngay:

- Sốt cao trên 39 độ C không thể hạ bằng paracetamol.

- Quấy khóc; giật mình nhiều lần; ói; tay chân run rẩy; co giật; tim đập nhanh.

7. Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục