Trẻ thụ tinh trong ống nghiệm dễ bị ung thư hơn trẻ bình thường

Hoài Linh, icon
09:31 ngày 02/04/2019

VTV.vn - Một nghiên cứu Mỹ cho thấy: tỷ lệ ung thư ở trẻ thụ tinh trong ống nghiệm là 0,1%, còn ở trẻ thụ thai tự nhiên là 0,09%.

Một số bệnh ung thư xuất hiện nhiều hơn ở trẻ sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng nguy cơ không quá lớn.

Theo JAMA Pediatrics, ông Logan Spector cùng đồng nghiệp tại Đại học Minnesota, Mỹ kiểm tra dữ liệu của hơn 275.000 trẻ IVF và gần 2,3 triệu trẻ bình thường chào đời từ năm 2004 đến 2013. Sau bốn năm rưỡi, nhóm tác giả phát hiện 321 ca ung thư ở trẻ IVF và 2.042 ca ung thư ở trẻ bình thường. Như vậy, tỷ lệ ung thư ở trẻ IVF là 0,1% và ở trẻ bình thường là 0,09%.

Đặc biệt, số trẻ IVF bị ung thư gan nhiều gấp đôi trẻ bình thường. Tỷ lệ ung thư hệ thần kinh trung ương và u tế bào mầm của trẻ IVF cũng cao hơn. Nhìn chung, trẻ IVF có 17% nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, ông Spector cho rằng: đó có thể do tuổi tác hoặc một số yếu tố sức khỏe khiến người mẹ không thể mang thai tự nhiên ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhóm tác giả khẳng định kết quả nghiên cứu không nhằm khuyến cáo các bậc phụ huynh ngừng thụ tinh trong ống nghiệm mà chỉ gợi ý cha mẹ cũng như đội ngũ y tế quan tâm hơn đến sức khỏe trẻ IVF.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục