Tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng

Lê Thạch, icon
09:09 ngày 27/04/2019

VTV.vn - Trong năm 2018, có 9.500 cơ sở lao động được thanh kiểm tra trên toàn quốc. Trên 50% các cơ sở có yếu tố nguy hại, có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), kết quả quan trắc năm 2018, các yếu tố có hại như: vi khí hậu, bụi, tiếng ồn, ánh sáng, hơi khí độc... đều vượt tỷ lệ tiêu chuẩn cho phép. Trong khi đó 72,63% người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy hiểm. Các bệnh thường gặp ở người lao động là viêm xoang, dạ dày, bệnh mắt, bệnh phụ khoa, hen phế quản, tim mạch... Trong khi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về phòng chống các bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, cả nước hiện mới chỉ có 33 phòng khám bệnh nghề nghiệp trên 17 tỉnh/ thành phố mặc dù tỷ lệ người mắc các bệnh nghề nghiệp đang ngày càng tăng.

Thống kê của Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng cho thấy: trong tổng số hơn 2 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ năm 2018, số người lao động đạt sức khỏe loại I và II chiếm 70%, tỷ lệ sức khỏe loại III đạt gần 22%, còn là sức khỏe loại yếu.

Cũng trong năm 2018, gần 320.000 trường hợp được khám bệnh nghề nghiệp. Trong đó, phát hiện 3.500 trường hợp mắc bệnh, bệnh điếc do tiếng ồn là gần 67%, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp chiếm gần 17%, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp chiếm 9,9% và bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp chiếm 2 %.

Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực hưởng ứng Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4). Thế nhưng, đến thời điểm này, đa số người lao động và người sử dụng lao động vẫn chưa chú ý đúng mức tới việc bảo đảm an toàn lao động, giữ gìn sức khỏe trong quá trình làm việc. Thực trạng này nếu không sớm được khắc phục sẽ để lại hậu quả nặng nề cho người lao động, gia đình và xã hội.

Bảo vệ người lao động, nhất là lao động trẻ trước nguy cơ tai nạn lao động, mắc các bệnh nghề nghiệp được coi là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, vấn đề an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc cần nhận được sự quan tâm đúng mức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục