Ung thư ở người cao tuổi - Đừng từ bỏ cơ hội!

Tuấn Bảo, icon
11:24 ngày 23/07/2020

VTV.vn - Ngoài sự nỗ lực cứu chữa của các y bác sĩ, đối với các bệnh nhân ung thư cao tuổi, sự đồng lòng của người thân, gia đình là điều hết sức quan trọng.

Hình minh họa.

Cụ A.T.T. (93 tuổi, trú tại Đội 6, thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, Hải Dương) nhiều năm nay đã tức bụng, khó chịu vùng bụng, đi ngoài ra máu những cứ ngỡ là dấu hiệu bệnh trĩ nên không tới cơ sở y tế thăm khám. Khi các dấu hiệu này ngày càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng, chán ăn, hiện tượng đi ngoài ra máu không thuyên giảm thì cụ mới đi kiểm tra.

TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 cho biết: bệnh nhân T. có tiền sử đi ngoài ra máu nhiều năm. Các bác sĩ đã chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân bị ung thư trực tràng.

"Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương tại chỗ, chưa di căn, thể trạng bệnh nhân bảo đảm và sự quyết tâm của bệnh nhân cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn phẫu thuật thành công cắt bỏ tổn thương" - TS.BS Phạm Văn Bình cho hay.

Với bệnh nhân tuổi cao hơn 90, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật như kỹ thuật ngoại khoa, gây mê trong suốt quá trình mổ 3 - 4 giờ, tình trạng mất máu...

Ekip phẫu thuật đã thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi 3D cắt cụt trực tràng, ống hậu môn ngả bụng tầng sinh môn, nạo vét hạch cho bệnh nhân. Hiện nay, bệnh nhân hồi phục tốt và đã ra viện sau 7 ngày điều trị.

Ung thư ở người cao tuổi - Đừng từ bỏ cơ hội! - Ảnh 1.

Bệnh nhân được phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng thành công.

"Ngay khi nhận kết quả bệnh viện tỉnh chẩn đoán ung thư trực tràng, tôi đã quyết tâm đưa mẹ lên Bệnh viện K để phẫu thuật. Còn nước còn tát, gia đình tôi không ai bảo ai nhưng đều quyết tâm điều trị đến cùng nếu mẹ tôi đủ sức khỏe. Nghĩ lại nếu lúc đó cứ nghe người ta mách tìm ông lang để điều trị uống thuốc nam thì có lẽ giờ tôi đang ân hận nhiều lắm." - anh V.V.T., con trai thứ của bệnh nhân chia sẻ.

Trường hợp cụ A.T.T chỉ là một ví dụ. Thời gian qua, Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công cho nhiều người bệnh cao tuổi, từ hơn 80 tuổi đến hơn 90.

Nhiều gia đình có người thân tuổi cao mà phát hiện bệnh ung thư thì thường lo ngại, thậm chí có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Tuy nhiên, theo TS.BS Phạm Văn Bình, tuổi tác là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng không nên vì thế mà vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và bảo đảm kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp, đặc biệt là ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. - đang có xu hướng gia tăng. Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A… và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.

"Những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời. Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao, thậm chí trên 90 như trường hợp vừa nêu ở trên, vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh bệnh tốt nhất" - TS.BS Phạm Văn Bình khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục