Vaccine phòng bệnh sởi và những điều cha mẹ cần biết

Tuấn Bảo, icon
03:48 ngày 08/09/2018

VTV.vn - Trẻ em không được tiêm vaccine sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.

Điều trị cho trẻ mắc sởi.

Tiêm vaccine sởi có thể phòng được hoàn toàn bệnh sởi hay không?

Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine, cơ thể sẽ có miễn dịch phòng bệnh suốt đời. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đã tiêm vaccine mà vẫn mắc bệnh, đó là vì tiêm chưa đủ các mũi vaccine sởi hoặc thời gian sau tiêm chưa đủ 30 ngày, vì thông thường sau tiêm 30 ngày cơ thể mới sinh kháng thể có tác dụng phòng bệnh, ngoài ra còn tùy thuộc vào thời gian tiêm chủng, loại vaccine, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người.

Những trường hợp đã từng mắc bệnh sởi trước đây cũng ít có khả năng mắc bệnh vì cơ thể đã tự sinh ra kháng thể miễn dịch với bệnh.

Tại sao chúng ta phải tiêm hai liều vaccine sởi?

Các nghiên cứu cho thấy: nếu tiêm vaccine sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 80-85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố như đáp ứng của cơ thể, tình trạng sức khỏe.v.v...

Việc tiêm mũi vaccine sởi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi là vô cùng cần thiết, vì kháng thể phòng bệnh sinh ra từ mũi tiêm thứ nhất sẽ chỉ có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này này giảm đi, có thể trẻ không có khả năng bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tỷ lệ bảo vệ là trẻ khỏi việc bị mắc bệnh là 90-95%.

Ngoài 2 mũi tiêm cơ bản trên, khi sống trong vùng có bệnh sởi diễn biến phức tạp hoặc vùng có nhiều bệnh nhân mắc sởi, cần tiêm các mũi vaccine tăng cường theo các chiến dịch của ngành Y tế.

Có thể tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trên 18 tháng tuổi không?

Chỉ tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình Tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết. Tất cả trường hợp tiêm vaccine sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vaccine khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là một mũi vaccine.

Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine sởi không?

Phụ nữ đang cho con bú có thể đi tiêm vaccine sởi. Kháng thể được sinh ra sẽ có tác dụng bảo vệ mẹ và bé thông qua việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Những trường hợp nào không nên tiêm vaccine sởi?

Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vaccine sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vaccine. Trẻ bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan cũng không nên tiêm vaccine sởi.

Ngoài ra, nên tạm hoãn tiêm vaccine sởi trong các trường hợp sau: trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng; trẻ sốt trên 37,5 độ C; trẻ bị bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng hoặc đang truyền máu.

Đối với phụ nữ có thai: mặc dù không có bằng chứng về tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra, tuy nhiên, không nên tiêm vaccine sởi cho phụ nữ có thai.

Tác dụng phụ gì khi tiêm vaccine sởi?

Vaccine sởi được đánh giá là an toàn. Cũng như các vaccine khác, sau khi tiêm cơ thể sẽ có các phản ứng như: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn trong vòng 1 giờ sau tiêm. Có thể sẽ bị sưng tại chỗ và sốt nhẹ (vì cơ thể nhìn nhận vaccine như một tác nhân lạ và phản ứng lại để chống nhiễm trùng). Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các gia đình cần theo dõi trẻ tại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm. Sau 2 ngày mà trẻ vẫn có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, sốt hoặc sốt cao cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn, điều trị.

Người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi theo lịch như thế nào?

Đối với tiêm vaccine sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:

- Trong tiêm chủng thường xuyên: mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

- Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm cho tất cả đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục