Viêm loét giác mạc: Cần điều trị sớm để tránh biến chứng

Tuấn Bảo, icon
07:34 ngày 30/04/2018

VTV.vn - Viêm loét giác mạc là bệnh lý nguy hiểm thường gặp trong nhãn khoa. Ở Việt Nam, bệnh viêm loét giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 3 sau bệnh đục thủy tinh thể.

Hình minh họa

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, viêm loét giác mạc là bệnh cấp tính, cần phải được điều trị sớm. Nếu không, phần loét có thể lan rộng một phần hoặc toàn bộ giác mạc, ảnh hưởng đến các bộ phận khác của mắt và có thể dẫn tới các biến chứng, như: sẹo giác mạc, phòi mắt cua và làm mất một phần hoặc toàn bộ thị lực. ..Trường hợp giác mạc bị thủng do ổ loét ăn sâu, nhãn cầu bị teo, không còn chức năng nhìn buộc các bác sĩ phải bỏ mắt.

Viêm loét giác mạc có nhiều nguyên nhân, có thể người bệnh chăm sóc mắt không đúng cách, dùng kính sát tròng không đúng, bị chấn thương mắt trong lao động, sản xuất, ví dụ: bệnh nhân bị bụi, cành cây, mảnh kính vỡ, hạt lúa, đậu….bắn vào giác mạc…gây viêm loét. Ngoài ra, người mắc một số bệnh, như: đau mắt đỏ, lông quặm không được điều trị, hở mi do liệt thần kinh số 7…cũng gây viêm loét giác mạc.

Theo báo cáo của Khoa Mắt- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk: năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, đã điều trị cho gần 300 bệnh nhân bị viêm loét giác mạc, trong đó điều trị nội trú 200 bệnh nhân và ngoại trú là 100 bệnh nhân. Hầu hết, những bệnh nhân nhập viện điều trị đều đến bệnh viện trong tình trạng thị lực giảm, mắt đau nhức, thời gian điều trị phải kéo dài, tốn kém nhưng vẫn để lại hậu quả nặng nề, có trường hợp phải khoét bỏ nhãn cầu.

Viêm loét giác mạc nếu điều trị tốt, khi lành bệnh vẫn có thể để lại vết sẹo. Vì vậy, các bác sĩ cũng lưu ý việc phòng bệnh là rất cần thiết: Khi có dị vật bắn vào mắt, bệnh nhân không dùng tay dụi mắt vì sẽ làm trầy xước giác mạc, nên chớp mắt liên tục trong thau nước sạch để loại bỏ dị vật ra khỏi mắt. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và giúp lấy dị vật. Tra thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Đặc biệt, không tự ý nhỏ thuốc khi mắt có những triệu chứng, như: đỏ, cộm, ngứa, chảy nước mắt liên tục hay bị chói sáng; đặc biệt cần đeo kính chống bụi khi ra đường, đeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, mạt sắt, hàn điện, tuốt lúa…Khi mang kính áp tròng cần cẩn trọng về kính: không rửa kính dưới vòi nước, không sử dụng thời gian kéo dài, phải rửa tay sạch trước khi đeo kính vào mắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục