Viêm phổi bệnh viện - Nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại nhiễm trùng bệnh viện

Lê Thạch, icon
04:02 ngày 25/08/2018

VTV.vn - Viêm phổi bệnh viện là những trường hợp viêm phổi xuất hiện ở người bệnh sau khi vào bệnh viện điều trị từ 48 giờ trở lên và ở thời điểm nhập viện không có dấu hiệu nào.

Hình minh họa (Ảnh: physiciansweekly)

Đây là một vấn đề rất khó khăn mà các khoa lâm sàng, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực phải đối mặt vì khó chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Đối với bệnh nhân người lớn, viêm phổi bệnh viện có liên quan đến thở máy là trường hợp viêm phổi mắc phải trong bệnh viện, xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi đặt nội khí quản hay thở máy. Chẩn đoán viêm phổi mắc phải trong bệnh viện được xác định theo 3 tiêu chuẩn: viêm phổi xác định trên lâm sàng, viêm phổi do những vi khuẩn thường gặp và viêm phổi trên những người suy giảm miễn dịch.

Theo các nhà khoa học, viêm phổi bệnh viện ở các nước đã phát triển chiếm tỷ lệ 15% tổng số trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện và chiếm 27% trong số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện ở khoa hồi sức tích cực. Trong các trường hợp viêm phổi bệnh viện, loại viêm phổi bệnh viện có liên quan đến thở máy được xác định sau khi thở máy từ 48 giờ trở lên chiếm tỷ lệ 90% đã làm kéo dài thời gian nằm viện và tốn kém chi phí điều trị.

Tại nước ta, các nhà khoa học cũng ghi nhận viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng từ 21% đến 75% số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong đó, viêm phổi bệnh viện liên quan đến thở máy chiếm tỷ lệ đặc biệt cao ở nhóm người bệnh điều trị tại khoa hồi sức tích cực.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), để phòng ngừa viêm phổi bệnh viện cần:

- Vệ sinh tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh và bất kỳ dụng cụ hô hấp nào đang sử dụng cho người bệnh.

- Vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân bằng gạc mỗi 2 đến 4 giờ một lần bằng dung dịch khử khuẩn.

- Rút các ống nội khí quản, ống mở khí quản, ống nuôi ăn, đồng thời xem xét việc ngưng sử dụng máy thở dùng cho bệnh nhân càng sớm càng tốt khi có chỉ định.

- Cho bệnh nhân nằm đầu cao với góc 30 đến 45 độ nếu không có chống chỉ định.

- Nên sử dụng loại dụng cụ chăm sóc hô hấp dùng một lần hoặc tiệt khuẩn hay khử khuẩn mức độ cao đối với các dụng cụ sử dụng lại cho người bệnh.

- Nên thường xuyên kiểm tra và đổ nước tồn lưu trong ống dây máy thở, bẫy nước dùng cho bệnh nhân.

- Dây thở phải để ở vị trí thấp hơn phần trên của ống nội khí quản.

- Thường xuyên kiểm tra tình trạng ứ đọng của dạ dày trước khi cho người bệnh ăn qua ống.

- Cần giám sát và phản hồi các trường hợp viêm phổi bệnh viện để có thống kê báo cáo đầy đủ nhằm rút được bài học kinh nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục