Vô tư "đánh bạn" với kháng sinh sẽ khiến người Việt ra sao?

Thu Thủy, icon
11:06 ngày 13/09/2016

VTV.vn - BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, việc sử dụng thuốc kháng sinh "hồn nhiên" sẽ vô tình tạo ra một chủng vi khuẩn đề kháng mới, có thể truyền lại vi khuẩn cho người xung quanh.

Dù Bộ Y tế đã có những quy định rất cụ thể về việc mua bán sử dụng thuốc kháng sinh nhưng trên thực tế thuốc kháng sinh vẫn dễ bán và dễ mua tại các cơ sở bán thuốc. Không ít cha mẹ khi thấy trẻ sốt, ho, chảy mũi liền tự đi mua kháng sinh cho con uống.

Trao đổi với VTV News, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã nhận một ca cháu bé từ một nhọt ở chân sau đó vi trùng vào máu, xâm nhập vào phổi, gây viêm phổi, tràn mủ màng phổi. Lúc đến bệnh viện, cháu bé sốt cao, mặt tím tái, nói không ra hơi, sau khi làm xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi.

Viêm phổi là một bệnh thông thường, tuy nhiên trường hợp này đã có biến chứng, gây tràn mủ ở lồng ngực và gây nhiễm trùng máu. Vi trùng cũng đã được bác sĩ tìm ra, nhưng khi thử kháng sinh thì loại vi trùng này kháng tất cả các loại kháng sinh đang sử dụng cũng như những loại kháng sinh mới nhất. Cuối cùng, các bác sĩ đã quyết định phối hợp 3 loại kháng sinh mới, và phải tăng liều lên gấp đôi, may mắn cháu bé đã được chữa trị kịp thời.

Vô tư đánh bạn với kháng sinh sẽ khiến người Việt ra sao? - Ảnh 1.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai .

"Nếu gặp phải ca kháng kháng sinh, bệnh nhân sẽ vô cùng mệt, cùng với đó là sức ép rất lớn lên các bác sĩ và gia đình. Một bệnh thông thường như viêm phổi nếu không mắc vi khuẩn kháng thuốc, việc chữa trị rất đơn giản nhưng khi có vi khuẩn kháng thuốc, việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn, căng thẳng và chi phí điều trị rất tốn kém" - PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng chia sẻ: "Trước đây tôi có làm một nghiên cứu về thói quen cung ứng cũng như sử dụng kháng sinh ở Việt Nam, và đóng giả là khách hàng đến các hiệu thuốc. Khi đó, tôi hỏi mua 2 viên thuốc kháng sinh, có những cửa hàng đã hỏi lý do và phân tích 2 viên không chữa được bệnh. Tuy nhiên cũng có cửa hàng ngay lập tức bán luôn. Sau đó, tôi có hỏi mua 1.000 viên, khi đó một cửa hàng đã bảo chờ để đi lấy thuốc kháng sinh".

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, tâm lý tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh có từ rất lâu, bởi nhiều người Việt Nam thích tiện, nhanh. Có những thuốc chữa ho, sốt thông thường, dược sĩ có thể tư vấn được cho người dân. Tuy nhiên, bởi vì quen được tư vấn những thuốc đó, mà người dân cũng dẫn tới việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách tiện thể. Nhiều người dân khi bị bệnh đã không đi khám mà xin tư vấn từ người thân, bạn bè, thậm chí tham khảo cả trên mạng internet nhưng không biết hiện có những thông tin không chính xác.

Vô tư đánh bạn với kháng sinh sẽ khiến người Việt ra sao? - Ảnh 2.

Không ít cha mẹ khi thấy trẻ sốt, ho, chảy mũi liền tự mua kháng sinh cho con uống.

"Có nhiều bệnh hoặc triệu chứng bệnh, thuốc kháng sinh không có tác dụng. Vì thuốc kháng sinh là để tiêu diệt các con vi khuẩn gây ra các bệnh lý. Nên khi cơ thể không có vi khuẩn gây bệnh mà uống kháng sinh vào, sẽ giết hết những vi khuẩn sống cộng sinh với cơ thể, những vi khuẩn này không gây bệnh, đôi khi lại có lợi cho cơ thể" - PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Nhiều người cũng đã thắc mắc, sau khi cho trẻ uống kháng sinh, thấy trẻ bị tiêu chảy, chính việc sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện đã giết hết những con vi khuẩn ở đường ruột, mà trong đường ruột có nhiều vi khuẩn có lợi giúp cho tiêu hóa hấp thu, vì vậy đã gây ra bệnh tiêu chảy.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi cơ thể dùng nhiều kháng sinh, những vi khuẩn gây bệnh sẽ có cơ chế đấu tranh sinh tồn, vi khuẩn sau sẽ chống lại kháng sinh. Vì vậy, chính việc sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý, "hồn nhiên, vô tư" của người dân sẽ vô tình tạo ra một chủng vi khuẩn đề kháng mới, và có thể gây bệnh cho bất kỳ ai. Trong một nghiên cứu cho thấy, đã có những người chưa bao giờ sử dụng kháng sinh, nhưng vì bị lây truyền ở người sử dụng thuốc kháng sinh sống xung quanh, nên cũng có thể mắc các vi khuẩn kháng thuốc.

  PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng kể về trường hợp bệnh nhi bị kháng kháng sinh.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục