Vụ nổ kho hóa chất tại Lebanon gây ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Nhật Anh, icon
09:51 ngày 10/08/2020

VTV.vn - Khí thải tạo ra sau vụ nổ ammonium nitrate kinh hoàng tại Beirut mới đây có thể gây nguy hại lâu dài tới hệ hô hấp, suy giảm nghiêm trọng chức năng phổi.

Hình: CNN

Vụ nổ nghiêm trọng tại thủ đô Beirut của Lebanon đã làm ít nhất 137 người tử vong và hàng nghìn trường hợp bị thương.

Hợp chất ammonium nitrate thường được sử dụng để làm phân bón. Tuy nhiên, khi kết hợp NH4NO3 với các nhiên liệu khác, nó trở thành "quả bom nổ chậm" với sức công phá lớn. Đây còn là nhiên liệu được dùng để sản xuất chất dễ cháy nổ như amatol (hỗn hợp với chất nổ TNT).

Vụ nổ 2.750 tấn ammonium nitrate đã giải phóng một lượng NO2 (nito dioxide), CO2 (carbon dioxide) và NH3 (ammoniac) khổng lồ ra không khí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Giáo sư chuyên ngành hóa học Gabriel da Silva tại Đại học Melbourne, Australia, cho biết: Những bức ảnh, cảnh quay từ hiện trường vụ nổ ghi nhận cột khói đỏ bốc lên. Đây là màu đặc trưng của NO2. Chúng thường được tạo ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu…) và xuất hiện ở các đô thị bị ô nhiễm không khí nặng. Nồng độ NO2 cao trong không khí là vấn đề nghiêm trọng với những người mắc chứng bệnh về hô hấp.

"Khói ở Beirut sẽ gây hại cho sức khỏe của người dân tại đây cho đến khi nào chúng tan hết, có thể sẽ mất vài ngày tùy thuộc vào tình hình thời tiết" - giáo sư Silva nhận định.

Theo Hiệp hội Phổi (Mỹ), khi bị phơi nhiễm NO2, cơ thể sẽ gặp phải các tình trạng như viêm đường hô hấp, ho, khó thở, giảm chức năng phổi và có thể gây ảnh hưởng đến tim.

NH3 là chất ăn mòn có thể bào mỏng và làm hỏng các tế bào bên trong cơ thể. Thậm chí, NH3 có thể dẫn tới mù lòa, tổn thương phổi, tử vong. Hít phải nồng độ ammoniac thấp cũng gây ho, kích ứng phổi và mũi. Trong khi đó, cơ thể bị phơi nhiễm CO2 gây đau đầu, chóng mặt, ngứa râm ran toàn thân. Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như bồn chồn, khó thở và đổ mồ hôi. Chất này cũng có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp, gây hôn mê, nghẹt thở và co giật.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Lebanon Hamad Hassan cho hay: Các bệnh viện tại thành phố Beirut và vùng lân cận đã bị quá tải sau vụ nổ kinh hoàng xảy ra trước đó một ngày ở cảng Beirut. Ông đánh giá tình hình hiện nay như một thảm họa y tế, nghiêm trọng hơn sự lây lan của đại dịch COVID-19 .

Vụ nổ đã phá hủy 4 bệnh viện ở Beirut, buộc nhà chức trách phải điều chuyển các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện này sang các cơ sở y tế khác.

Trong nhiều thập kỷ qua, amoni nitrat - chất bột không mùi thường được dùng làm phân bón hóa học - cũng là "thủ phạm" của nhiều vụ nổ công nghiệp nghiêm trọng trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục