Xuất huyết giảm tiểu cầu - Bệnh nguy hiểm cho trẻ sơ sinh

Tuấn Bảo, icon
03:53 ngày 09/02/2022

VTV.vn - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận điều trị thành công cho bé gái 2 tháng tuổi bị xuất huyết giảm tiểu cầu kèm xuất huyết tiêu hóa nặng.

Bé gái bị xuất huyết giảm tiểu cầu được điều trị ổn định. Ảnh: BVCC

Bé gái 2 tháng tuổi, trú tại Vĩnh Long, đến khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vì những chấm xuất huyết rải rác toàn thân, đặc biệt ở lòng bàn chân.

Qua khai thác tiền sử, mẹ bé không mắc bệnh gì trong 3 tháng cuối thai kỳ, không có sử dụng thuốc chống đông, kháng sinh trước đó, có tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 trước sinh bé 1 tháng, bé được tiêm ngừa lao và viêm gan B sau sinh.

Khi nhập viện, bé có chấm xuất huyết rải rác ở mặt, chân và ngực. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cho thấy số lượng tiểu cầu giảm còn 3.900/mm3 (bình thường là 150.000 - 400.000/mm3), hình dạng các tế bào bình thường, chưa ghi nhận tế bào lạ, gan lách hạch không to.

Cùng thời điểm đó, bé bắt đầu tiêu phân toàn máu, lượng nhiều và bứt rứt hơn. Các bác sĩ Khoa Nhi nhận định đây là trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mức độ nặng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bé được chuyển vào hồi sức điều trị tích cực, truyền tiểu cầu khẩn, truyền thuốc.

Sau điều trị tích cực, tình trạng của bé cải thiện dần, không xuất huyết dưới da thêm, tổng trạng tỉnh táo và số lượng tiểu cầu cải thiện dần. Sau 6 ngày điều trị, tiểu cầu của bé đạt mức 365.000/mm3, được xuất viện, duy trì thuốc và theo dõi tái khám.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Vi Thư, Khoa Nhi, xuất huyết giảm tiểu cầu xảy ra khi số lượng tiểu cầu giảm thấp một cách bất thường. Tiểu cầu đóng góp vai trò quan trọng trong nhiều quá trình bao gồm đông cầm máu, tạo cục máu đông, co cục máu đông, co mạch và sửa chữa, miễn dịch, viêm, xơ vữa động mạch. Trung bình, lượng tế bào máu ngoại vi đạt khoảng 150.000 tiểu cầu trên 1 microlit máu, nhưng đối với những bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát thường có lượng tiểu cầu dưới 20.000/mm3 máu.

Khi số lượng tiểu cầu giảm, quá trình đông máu sẽ không diễn ra bình thường, sẽ chảy máu khó cầm, kéo dài thời gian đông máu. Cơ thể có thể xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da, vòm họng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa hay nặng nề hơn là xuất huyết não và có thể đe dọa đến tính mạng.

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có khoảng 90% sẽ hết bệnh trong vòng 6 tháng, tuy nhiên những trường hợp nặng trẻ có thể tử vong trong giai đoạn cấp. Do vậy, các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có tình trạng xuất huyết tự nhiên trên da, chảy máu khó cầm… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Khi điều trị bệnh, gia đình cần chủ động kết hợp giữa phác đồ điều trị của bác sĩ với việc xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe và không làm cho bệnh tiến triển nặng thêm. Điều quan trọng nhất là gia đình phải đưa bé đi tái khám, tuân thủ điều trị vì tính chất nguy hiểm và dễ tái phát của bệnh cũng như các tác dụng phụ thường gặp của thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục