Được thành lập năm 1968, Trung tâm Điều trị và nuôi dưỡng bệnh nhân phong tại xã Ba Sao (Trại phong Ba Sao), thời gian đầu được chính các bệnh nhân phong chung tay xây dựng. Họ đến từ một số tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Ninh Bình, Bắc Ninh... Hiện trung tâm có hơn 80 bệnh nhân sinh sống, phần lớn đều là những người già cả. Người ít nhất cũng hơn 60 tuổi, người nhiều tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Đinh (101 tuổi). Có người gắn bó với Trại phong ngay từ những ngày đầu, người ít nhất cũng gần 20 năm ở đây.
Mặc dù bệnh phong ngày nay đã được điều trị dứt điểm, nhưng những di chứng của bệnh vẫn rất nặng nề. Nhiều bệnh nhân bị tàn tật vì bị cưa chân, cưa tay, cắt ngón... Một phần ba số bệnh nhân ở Trại phải điều trị ở chế độ đặc biệt, hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của hộ lý. Có những bệnh nhân chân tay gần như bị cụt hết.
Bên cạnh đó là nỗi đau về tinh thần. Trong ký ức của các bệnh nhân, những ngày tháng trước khi vào Trại là một quãng thời gian khó quên trong đời. Bà Đinh Thị Hợi (sinh năm 1934), quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là một trong những trường hợp như thế. Năm 16 tuổi, bà bị mắc bệnh, hàng xóm láng giềng xa lánh, thậm chí xua đuổi, trong khi gia đình bà cũng hờ hững, ít quan tâm. Không chịu được cảnh đó, bà đã bỏ nhà ra đi. Năm 1968, bà chuyển về trại phong Ba Sao và ở lại từ đó cho đến nay.
Bà Trần Thị Thỏa (89 tuổi), quê ở Hải Hậu, Nam Định, kể rằng: “Trước đây lúc còn khỏe mạnh tôi còn hay về quê, nhưng giờ già yếu, gần 5 năm nay tôi chưa về lại, không biết bây giờ quê hương thay đổi ra sao. Nhiều lúc nhớ nhà lắm".
Theo những cán bộ ở Trại phong Ba Sao, có những bệnh nhân lúc vào điều trị không hề khai báo có người thân. Đến lúc sắp mất, họ mới tiết lộ người thân. Phần lớn bệnh nhân đều không có người thân thăm nom lúc ốm đau, Tết nhất.
Thấu hiểu được những nỗi đau về thể chất và tinh thần mà các bệnh nhân phong phải chịu đựng, các y bác sĩ, cán bộ của Trại luôn cố gắng trong công việc hàng ngày để giúp người bệnh vơi bớt nỗi đau. Đối với những bệnh nhân nặng, các hộ lý chăm lo từng miếng cơm, ngụm nước, làm vệ sinh cá nhân. Không chỉ vậy, họ còn thường xuyên tâm sự, chia sẻ, chuyện trò với người bệnh. Dù công việc vất vả, nặng nhọc, song hiếm khi các bệnh nhân thấy cán bộ, y bác sĩ to tiếng, nóng nảy.
Bà Đinh Thị Hợi tâm sự: “Nghĩ lại những ngày tháng trước đây, tôi vẫn thấy tội lắm các chú ạ! Nhưng đời tôi cũng còn may mắn là được đến Trại, được sống với những người cùng cảnh ngộ, được cán bộ nhân viên chăm sóc điều trị. Đối với những người như chúng tôi, thế là cũng hạnh phúc lắm rồi”.
Các bệnh nhân chia sẻ rằng, đối với họ, nơi đây không chỉ là nơi điều trị mà còn cho họ cuộc sống, cho họ tìm thấy tình thương. Tình thương từ những y bác sĩ, cán bộ của trại và đặc biệt là sự chia sẻ giữa những người cùng cảnh ngộ. Đa phần các bệnh nhân không có nơi nương tựa, nên Trại phong Ba Sao chính là nơi duy nhất mà họ có thể bấu víu.
Nói chuyện với các cán bộ, nhân viên điều trị tại Trại, mọi người đều có chung suy nghĩ rằng, đối với những bệnh nhân đặc biệt này, sự chia sẻ, cảm thông và hết lòng chăm sóc, điều trị là vô cùng quan trọng. Bởi với họ, việc phải sống xa cộng đồng, nhất là xa quê hương, gia đình, đó đã là nỗi đau, là sự thiệt thòi quá lớn. Tất cả những người làm việc tại Trại đều luôn cố gắng từng ngày, từng giờ, cố gắng trong từng việc nhỏ, luôn lắng nghe những tâm tư, giãi bầy của người bệnh, để góp phần làm giảm đi nỗi đau bệnh tật và đem lại niềm vui cho những người không may phải chịu đựng số phận thiệt thòi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.