Ở cái xóm mà tựa lưng là núi, phía trước là đồng, hình ảnh của hai bố con con anh Thân Văn Ba khi nhóm phóng viên chúng tôi tới thăm thật bi thương, thảm thiết trong những tiếng rú lùa man dại của gió. Trên chiếc giường với ngổn ngang những bông băng và thuốc sát trùng, anh Ba một tay ôm ngực vì lên cơn đau, một tay gắng gượng đỡ lấy phần đầu của con với cái u to khổng lồ trên mặt.
Nhìn con, anh ngậm ngùi kể: “Cháu sinh ra khỏe mạnh và phát triển bình thường em ạ. Đến tháng 11/2012 thấy má bên phải của cháu sưng to kèm sốt, lúc đó anh đưa con đi khám thì bác sĩ nói cháu bị K xương nên phẫu thuật cắt nửa xương hàm bên phải tại bệnh viện K2. Sau khi phẫu thuật cháu được truyền hóa chất đến nay đã được 9 đợt rồi”.
Căn bệnh quái ác khiến khối u to nhanh che gần hết cả khuôn mặt. Ấy vậy mà thằng bé con vẫn luôn miệng đòi “Bố cho đi chơi…”, khiến anh Ba lần nữa ruột gan như thắt lại. Hai hàng nước mắt chảy xuống ướt nhèm hết hai bên má, anh sụt sùi: “Nhìn con đau đớn thế này, thà bằng giết chết anh đi còn hơn. Nó sinh ra xinh xắn, đáng yêu lắm vậy là làm đùng một cái mắc phải bệnh này…”
Anh cứ thế kể, hoàn toàn về căn bệnh quái ác của con mà quên bẵng đi bản thân mình cũng đang trong tình thế nguy cấp. Có lẽ do anh cố tình giấu hoặc không muốn nói ra nhưng những giấy tờ bệnh án dày đặc và cơn đau ồ ạt kéo đến khiến anh phải ngồi ôm ngực đã “tố cáo” điều đó. Biết không nói dối được, anh mới tâm sự: “Anh phát hiện ra bệnh ngay sau khi cháu làm phẫu thuật em ạ. Con mổ xong thì đến lượt bố, ngày đó anh phải làm phẫu thuật cắt thùy phổi phải và điều trị hóa chất từ bấy đến giờ”.
Nói rồi anh xin phép ra ngoài vì có việc, lúc này tôi mới có thể nói chuyện được với vợ của anh là chị Nguyễn Thị Thỏa. Như bị kìm nén cảm xúc quá lâu, chị chưa kịp nhìn tôi đã khóc òa nức nở: “Trước mặt của anh chị không dám khóc vì chị vẫn động viên anh bệnh thì thế nhưng còn nước còn tát để anh có một chút niềm tin”.
Rồi chị kể những tháng ngày hạnh phúc ngập tràn khi chị được anh chọn làm người vợ hiền bởi ở cả vùng quê này không ai là không biết đến anh phải chịu thân phận mồ côi từ nhỏ nhưng lại ngoan ngoãn, sớm tự lập và là người làm kinh tế giỏi. So với ở quê, anh chị vào hàng khá giả, có của ăn của để bởi chăm chỉ lam làm và không ngại khổ. Chỉ vào căn nhà rộng rãi và khang trang anh chị đang sống, chị Thỏa tủi lòng: “Anh Ba không được ăn học nên sớm đi lao động từ ngày nhỏ, căn nhà này là do chính tay anh xây lấy để tặng cho 3 mẹ con chị. Anh bảo từ nhỏ anh đã sống khổ sở rồi nên muốn tạo dựng chỗ che mưa, che nắng cho cả nhà được vững chãi và sạch sẽ em ạ.
Con bệnh rồi đến bố bệnh, số tiền vay nợ nhiều quá đến giờ chị cũng không nhớ được là bao nhiêu nữa. Anh chị cũng rao bán nhà lâu rồi nhưng ở vùng quê này chắc cũng không ai hỏi mua bởi họ sợ điều không may mắn”.
Đúng như lời chị Thỏa tâm sự, căn nhà như một điềm báo chuyện không hay bởi ngay khi vừa xây xong thì bé Huy đổ bệnh, tiếp đó lại đến anh Ba. Hơn 2 năm đi viện, chuyển hết từ viện K1, sang K2 rồi sang cả K3, hai bố con anh đều trong tình trạng “nhường nhau” để xạ trị. Có lần đến đồng tiền ăn cuối cùng cũng hết, anh phải cậy nhờ từng suất ăn từ thiện nên cuối cùng anh quyết định dừng điều trị để gắng gượng đi làm cố gắng chữa tiếp cho con.
“Khối u của anh ấy giờ đã di căn lên vùng trung thất và gan rồi em ạ nhưng anh ấy vẫn đi phụ xây hoặc đi phụ xe cho người ta để có tiền cho con đi viện. Nhìn hai bố con như thế, chị đau đớn lắm, chị nghĩ bản thân chị sẽ không thể sống tiếp được nữa em ạ”.
Nước mắt và nỗi đau cứ thế hòa vào nhau khiến chị cũng đổ sụp xuống nền nhà. Bất lực, đau đớn và nỗi sợ hãi hằn in lên khuôn mặt gầy khô, nhìn con rồi quay ra nhìn chồng, chị tưởng tượng như một chân mình đã đặt sang bên kia thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.