Chị Hồng và con trai lên điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa 2, BV Trung ương Huế (ảnh chụp ngày 27/12)
Cách đây 10 năm, chị Hồng vào phương Nam lập nghiệp, đi may cho một xưởng may nhỏ giữa đất Sài thành chộn rộn, hối hả với những guồng quay mưu sinh. Hai năm sau đó, Hồng quen một chàng trai tên Nguyễn Tưởng (quê Hành Trung, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) và kết duyên vợ chồng. Đám cưới đơn sơ với ít bạn bè, họ hàng hai bên. Về ở với chồng, Hồng sống trong căn nhà trọ thuê chung với 8 bà con bên chồng.
Cả nhà chồng gồm cha mẹ, em, cháu của Tưởng cùng làm nghề đi kiếm giày cũ về sửa lại rồi đem ra bán. Cứ vài tháng là đổi chỗ trọ một lần vì nhà chủ không chịu nổi cảnh cả cái phòng trọ chật hẹp lại trở thành “xưởng” sản xuất nhỏ. Làm chỉ đủ ăn, cả gia đình chồng chật vật mưu sinh qua từng ngày.
Năm 2007, Hồng hạ sinh được đứa con trai đầu lòng Phạm Thành Duy trong cơn khốn khó vẫn đeo bám. Lúc cháu Duy được 3 tháng tuổi, bỗng nhiên cháu la hét, khóc lóc dữ dội cả ngày đêm. Tình trạng con không thuyên chuyển, 2 vợ chồng đưa cháu lên khám thì mới biết là bị bệnh Thalassemia – chứng máu tan bẩm sinh, tuổi thọ rất ngắn và phải uống thuốc chống thải sắt kèm thuốc bổ đắt thường xuyên hàng ngày.
Tháng sau, Hồng xin nghỉ việc và ôm con ra nhà ngoại ở Huế để cùng với mẹ mình chăm cháu cho đỡ. Chồng gửi tiền ra cho 2 mẹ con đúng 2 tháng thì ra Huế thăm con. Sau lần thăm ấy, Hồng và cháu Duy đã không bao giờ tìm thấy được người chồng, cha đó nữa. Mọi liên lạc về Tưởng đã mất hết.
“Lần đó cũng là lần đầu anh về thăm quê em, sau khi lên bệnh viện đưa con khám, bác sĩ nói nếu 2 người sau này nếu có con nữa sẽ có nguy cơ cao khi con lại mắc bệnh Thalassemia vì gen trong người em và chồng đều tiềm ẩn đột biến cao. Anh ấy sau khi vào Sài Gòn lại thì thay đổi số điện thoại, em liên lạc không được. Một vài người trong nhà ở cùng anh cũng thay luôn số điện thoại.
Đột ngột hụt hẫng, trong lòng hoang mang, buồn nhưng em nghĩ là anh và nhà anh có chuyện gì thôi, em vào Sài Gòn để tìm nhưng cả nhà đã chuyển chỗ ở. Quê anh ở Quảng Ngãi em cũng chưa về bao giờ, nhưng vì toàn bộ cả nhà anh đã vào Nam sinh sống lâu, nên em không biết ở chỗ nào để tìm. Quay lại Huế để nuôi con bệnh, ngày ngày em mong ngóng chồng liên lạc lại. Nhưng vô vọng, đã 7 năm qua, anh ấy bỏ rơi em rồi anh ơi”, bật khóc nức nở, chị Hồng gục xuống bên đứa con trai đang nằm trên giường mới đang lên cơn vì bệnh lại tái phát.
2 mẹ con trong căn nhà tồi tàn
Chị Hồng khóc nức nở khi kể về trường hợp của mình
Trong khoảng thời gian con trai lớn lên với bệnh, chị Hồng đã chịu biết bao khổ đau, ánh mắt không hay của hàng xóm. Xin được làm công nhân trong Công ty cổ phần Dệt – May Huế, số tiền lương không đủ nuôi con và tiền thuốc men. Con ốm nhiều, lại phải hay nhập viện, chị thường xuyên xin nghỉ giờ, may được các trưởng bộ phận thương nên chị vẫn được làm việc.
Cứ mỗi năm qua đi, tiền thuốc men cho con càng nhiều. Xấp giấy nhập viện, ra viện đưa chúng tôi xem dày như cuốn sổ lớn. Tiền bạc ba mẹ chị chu cấp cho cũng có hạn vì đều là nhà làm nông, các anh chị em cũng làm nghề “cày sâu cuốc bẩm” nên không có chi dư dả.
Xấp giấy ra viện, nhập viện của cháu Duy đã dày lên hơn cả gang tay
Tuy nhiên, vào năm 2012, bố chị Hồng – bác Ngô Văn Thuận (57 tuổi) mắc trọng bệnh: ung thư đại tràng sát góc lách. Chữa trị tốn kém trên cả trăm triệu nhưng bệnh vẫn ngày một nặng hơn. Bác sĩ nói phải đi tia xạ nhưng không có tiền đành phải nằm ở nhà. Sổ đỏ nhà đã cầm cố. Bà Lê Thị Hạnh, mẹ Hồng đã đi mượn tiền khắp xóm làng, giờ không đủ khả năng trả nợ. Ba sào ruộng giờ chỉ còn sức làm hai vì chồng đau ốm, cháu bệnh tật.
Bác Thuận, bố chị Hồng bị lâm bệnh ung thư nặng không có tiền chữa
Cách đây 3 tháng, do làm quá sức, chị Hồng đã phải nhập viện mổ phần xương bị u lên ở tay trái. Sau lần mổ, chị đi làm lại và bị tái diễn bệnh cũ phải lên mổ một lần nữa. Từ đó đến nay, chị xin tạm nghỉ ở nhà vì không đủ sức làm. Đã nghèo, khó – không có lương hàng tháng, nhà lại mắc nợ quá nhiều, bữa ăn của mấy ông bà cháu không có gì, chỉ rau, trứng, thi thoảng mới có cá thịt.
Vết mổ 2 lần trên bàn tay chị Hồng
Cháu Duy được nhà chùa thương, cho đi học thêm trong chùa cho biết chữ. Nhưng cháu cũng bỏ học thường xuyên vì khi bệnh nổi lên, cả người đau đớn, 2 mắt húp lại, lá lách ngày càng to dần chèn trong người làm cho cháu khó thở. Đi cùng con trong những năm tháng qua, nỗi cô đơn và tuyệt vọng ở chị Hồng ngày cứ tăng lên, nhiều lúc nghĩ quẩn nhưng con mình còn đau, cha gần chết đã vực dậy chị, buộc chị phải sống. Ngày gặp tôi, chị mừng nức nở “Gặp anh và báo, em thấy mình đã được cứu rồi anh ơi. Anh gắng giúp cho nhà em, tội lắm”.
Có lẽ còn một điều lớn hơn, chị Hồng mong được gặp lại chồng để được đỡ đần vì trong lòng chị không bao giờ không nghĩ tới. Chị vẫn tin và ước rằng có ngày nào đó, chồng sẽ tìm về lại nhà. Cả nhà sẽ cùng nhau chăm sóc, yêu thương và vượt qua nỗi đau. Tuy nhiên, điều đó khó thành hiện thực bởi người bội bạc không xứng đáng làm “đàn ông” kia đã nhẫn tâm ra đi không lời từ biệt, bỏ rơi cả đứa con bị bệnh đáng thương từ lúc 3 tháng tuổi còn chưa biết mặt cha.
Những nỗi buồn u uẩn, kéo dài chưa tìm được lời đáp trong căn nhà rách nát với rất nhiều đau khổ của chị Hồng cứ xa dần sau chúng tôi khi chào tạm biệt chị. Mong lại ngày về sẽ giúp được chị một phần nào để san sẻ tình cảnh khốn khó mà người mẹ trẻ mới 27 tuổi đã phải gánh chịu quá lớn trong nhiều năm qua.
Một tháng gần đây, cháu Duy phải nhập viện nằm ở Khoa Nhi tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế vì lượng sắt trong người quá cao, cháu cứ la hét liên tục. Do phải tiêm thuốc quá nhiều, mỗi lần tìm "ven" phải thử hơn chục lần mới ra. Nhiều lúc BV thiếu thuốc thải sắt chị Hồng phải đi mua ngoài nhưng giá cao, tiền bạc đã qá kiệt quệ - nhiều lúc không đủ tiền mua thuốc cho con, chị cứ nhắn tin lên chúng tôi. Những dòng tin nhắn đẫm nước mắt làm chúng tôi quá trăn trở và day dứt trước một hoàn cảnh đáng thương cần được những tấm lòng vàng mở lòng giúp đỡ cho gia đình chị vượt qua cơn túng bấn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.