Cạnh tranh vaccine COVID-19 không phải cuộc đua xem ai về đích trước

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 23/09/2020 07:00 GMT+7

VTV.vn - Điều quan trọng là cần đảm bảo cuộc cạnh tranh vaccine là sự hợp tác giữa các quốc gia để cứu mạng người chứ không phải một cuộc thi xem ai về đích trước.

Bước tiến hướng tới mục tiêu vaccine công bằng

156 nước, tương đương 2/3 dân số thế giới, đã cam kết tham gia chương trình tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX. Chương trình này giờ đại diện cho danh mục vaccine COVID-19 lớn nhất và đa dạng nhất nhằm chống lại việc độc quyền vaccine.

Ông Seth Berkley - Người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng thông báo: "Chương trình phân phối vaccine COVAX hiện đã bắt đầu hoạt động. 156 nền kinh tế đại diện cho ít nhất 2/3 dân số thế giới sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vaccine COVID-19 thông qua COVAX".

Công bố thông tin tại cuộc họp ở Geneva hôm qua, Tổng giám đốc WHO khẳng định, việc ngày càng có nhiều nước tham gia chương trình COVAX không phải là từ thiện mà là vì lợi ích của mọi quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phân phối vaccine công bằng vẫn còn cả một chặng đường phía trước.

Cạnh tranh vaccine COVID-19 không phải cuộc đua xem ai về đích trước - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về tiến độ nghiên cứu vaccine tại Học viện Quân y ở Bắc Kinh hồi tháng ba. Ảnh: Xinhua.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO nói: "Chúng tôi hoan nghênh việc một số lượng lớn các quốc gia đăng ký tham gia COVAX, nhưng hiện chúng tôi phải đối mặt với một số thách thức khó khăn. Cơ chế hoạt động theo kế hoạch cần có tiền, cho đến nay, 3 tỷ USD đã được đầu tư, kéo theo một giai đoạn khởi động rất thành công. Nhưng số tiền này chỉ chiếm 1/10 trong tổng số 35 tỷ USD cần thiết để mở rộng quy mô và tác động".

Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) - tổ chức đã cùng WHO sáng lập ra COVAX - ước tính rằng, thông qua chương trình này, mức giá cao nhất đối với vaccine phòng COVID-19 có thể là 40 USD/liều.

Dự kiến sẽ có thêm 38 quốc gia tham gia COVAX này trong những ngày tới. Thách thức tiếp theo là thu hút thêm các nước có tiềm lực sản xuất vaccine tham gia cơ chế này.

Liệu có thể ra được vaccine COVID-19 vào cuối năm nay?

Việc nhiều nước đồng ý tham gia cơ chế phân phối vaccine công bằng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là liệu có thể ra được vaccine vào cuối năm nay như mục tiêu mà nhiều nước và các hãng dược phẩm đang đặt ra hay không.

Cạnh tranh vaccine COVID-19 không phải cuộc đua xem ai về đích trước - Ảnh 2.

Vaccine COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya ở Moscow, Nga hôm 6/8. Ảnh: AP.

Sputnik V, loại vaccine đầu tiên trên thế giới được cấp phép của Nga đã được hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông đặt mua. Vaccine sẽ được phân phối trên toàn thế giới sớm nhất là vào tháng 11. Hiện Nga đạt được các thỏa thuận sơ bộ để bán 1,2 tỷ liều với giá không quá 20 USD cho 2 liều. Sau khi vaccine này được cấp phép lưu hành, Sputnik V vẫn tiếp tục được thử nghiệm đối với 40 nghìn tình nguyện viên.

Bà Inna Dolzhikova - Nhà nghiên cứu Học viện Gamaleya khẳng định: "Trong quá trình nghiên cứu về vaccine, chúng tôi không thấy bất kỳ tác dụng phụ có hại nghiêm trọng nào. 100% tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine đã phát triển miễn dịch qua trung gian tế bào và dịch thể".

Mỹ có thể phân phối vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất là vào ngày 1/11 tới, hiện có 3 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn 3 với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Đây là những vaccine do AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford của Anh, Moderna hợp tác với Viện Y tế quốc gia Mỹ và liên minh Pfizer/BioNTech phát triển. Dự kiến đến tháng 11 hoặc tháng 12 có thể sẽ có đủ dữ liệu lâm sàng để biết được loại vaccine nào an toàn và hiệu quả.

Cạnh tranh vaccine COVID-19 không phải cuộc đua xem ai về đích trước - Ảnh 3.

Y tá tiêm vaccine tiềm năng Sinovac cho tình nguyện viên ở Brazil hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

Còn tại Trung Quốc, Công ty công nghệ sinh học thuộc Tập đoàn Sinopharm đặt mục tiêu đưa vaccine ngừa COVID-19 ra thị trường trong năm nay với giá không quá 600 Nhân dân tệ (khoảng 88 USD). Hiện hai loại vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn này đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Ông Trương Vân Đào - Phó chủ tịch Công ty công nghệ sinh học Trung Quốc cho biết: "Hơn 40 nghìn người đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm vaccine của Sinopharm. Khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 an toàn, chúng tôi sẽ đưa vaccine này ra thị trường vào cuối năm nay".

Loại vaccine ngừa COVID-19 của công ty này sẽ bao gồm hai liều và đang được Cục quản lý giám sát dược phẩm quốc gia Trung Quốc đánh giá trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi trên thị trường.

Hé lộ những phản ứng phụ của vaccine COVID-19 Hé lộ những phản ứng phụ của vaccine COVID-19 EU nhất trí mua thêm 300 triệu vaccine COVID -19 EU nhất trí mua thêm 300 triệu vaccine COVID -19 Thách thức bảo quản vaccine COVID-19: Quá trình trữ lạnh gặp khó khăn Thách thức bảo quản vaccine COVID-19: Quá trình trữ lạnh gặp khó khăn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước