Fabregas sắp phải trải qua màn hội ngộ không hề dễ dàng gì với CLB và người thầy cũ.
Arsenal có sai vì nói không với Cesc Fabregas?
Fabregas đang cho thấy sự hòa nhập vô cùng nhanh vào màu áo Chelsea và thực sự khiến nhiều người cho rằng quyết định nói không với anh của Arsenal là sai lầm. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, góc nhìn của HLV Arsene Wenger vẫn có những logic riêng.
Arsenal, với một phòng thay đồ chật chội những tiền vệ khéo léo như hiện nay, hoàn toàn có thể sẽ bị phá vỡ sợ cân bằng với sự trở lại của người đội trưởng năm nao. Quan trọng hơn, mỉa mai thay, Fabregas có thể tỏa sáng như hiện nay, bởi anh đang nhận được sự hỗ trợ từ những ngôi sao tấn công hàng đầu thế giới, quy tụ tại Stamford Bridge – điều mà anh chưa từng có tại Arsenal.
Nói cách khác, việc Cesc Fabregas đang thành công tại Chelsea, không đồng nghĩa điều tương tự sẽ xảy ra tại Arsenal. Và khi đó, người ta, cũng sẽ lại có cớ để trách Ngài Giáo sư, trách Fabregas.
Một ngày làm Pháo Thủ, mãi mãi là Pháo Thủ?
Những CĐV nhiệt thành của Pháo Thủ có lẽ chẳng còn mấy xa lạ với cảm giác phải nhìn thần tượng thi đấu cho một CLB khác và tệ hơn là ghi bàn vào lưới đội bóng cũ. Tuy nhiên, trường hợp của Cesc Fabregas thật khiến người hâm mộ nơi đây phải tự đặt câu hỏi về lòng trung thành của họ.
Khác với Emmanuel Adebayor, Samir Nasri, Robin van Persie – những cầu thủ tỏ ra thích thú khi được ghi bàn, được ăn mừng sau khi lập công vào lưới đội bóng cũ – như những kẻ phản đồ thực sự, việc Fabregas ra sân cho Chelsea, viễn cảnh mà chắc bản thân C4 chẳng thể mường tượng nổi vài năm trước, giống với sự phẫn nộ của một người thân bị bỏ rơi hơn.
Trước khi rời Emirates, Fabregas là đội trưởng, là linh hồn, là hơi thở của một Arsenal đã qua thời hùng mạnh. Cầu thủ người TBN là đại diện tiêu biểu cho công tác phát hiện và ươm mầm tài năng của HLV Arsene Wenger.
Nhưng nếu Arsenal là nơi Cesc Fabregas phát triển sự nghiệp rực rỡ nhất, Barcelona lại là nơi anh đã bắt đầu, nơi anh có những bài học đầu tiên về bóng đá. Quyết định rời đi của C4 khi đó, theo chính anh tiết lộ, là vì tình yêu, chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác. Ngay cả khi tới Barcelona, Fabregas vẫn luôn dành cho Ngài Giáo sư và CLB cũ những sự tôn kính.
Tuy nhiên, điều đó cũng không thể giúp anh tránh khỏi những lời lăng mạ, những sự phỉ báng từ những người từng hết mực tôn thờ mọi bước chạy của Fabregas trên sân. Người ta quên đi mọi đóng góp của Fabregas cho Arsenal và thay vào đó là một sự thù hận mù quáng. Mới đây. họ đốt áo Fabregas khi anh chuyển tới Chelsea, nhưng không ai nhớ rằng trước đó vị khả kính giáo sư – Arsene Wenger đã tự gạt đi cơ hội tái ngộ trò cũ này.
Cesc Fabregas có thể không giống Van Persie – người luôn công kích HLV Arsene Wenger từ ngày chuyển sang khoác Man Utd, hay như Nasri, Adebayor – ăn mừng triệt để khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ, song, Cesc Fabregas cũng không phải thiên thần. “Thay đổi CLB là một phần của bóng đá và mọi người phải nhớ rằng, chính Arsenal đã từ bỏ cơ hội mua lại tôi. Tôi nên làm gì bây giờ - Nghỉ hưu ư? Không đời nào!”, Cesc Fabregas chia sẻ.
Thật trớ trêu khi Jose Mourinho – đối thủ lớn nhất của HLV Arsene Wenger vào lúc này và Chelsea – CLB đã nhiều lần đá văng Pháo thủ khỏi cuộc đua vô địch, lại đang hưởng “quả ngọt” từ cầu thủ trưởng thành từ chính môi trường của Arsenal.
Với bản hợp đồng 5 năm với Stamford Bridge, Cesc Fabregas có lẽ sẽ còn phải gặp lại Arsenal nhiều lần trong thế đối đầu. Nhưng lần đầu tiên tại Stamford Bridge cuối tuần này, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm không dễ dàng với cả Fabregas hay Arsenal.