Tuấn Anh (số 8) và các đồng đội chưa thể giúp U19 Việt Nam vượt qua ám ảnh quá khứ ở sân chơi châu lục. (Ảnh: TTXVN)
Vòng chung kết giải U19 châu Á vốn luôn là sân chơi quá tầm của các đội tuyển U19 Việt Nam cả trong hiện tại và quá khứ.
Trận thua của U19 Việt Nam trước U19 Hàn Quốc là một thất bại đã được báo trước. Điều khiến dư luận bất ngờ chỉ là tỷ số (0-6) chêch lệch quá lớn giữa đại diện tới từ Việt Nam và đối thủ Đông Á. Dù U19 Hàn Quốc đang là đương kim vô địch giải, U19 Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ trước đối thủ. Nhưng trận thua chiều qua đã chỉ rõ cho người hâm mộ thấy cách biệt rất lớn giữa hai đội tuyển. Đó cũng là khoảng cách hiện tại giữa bóng đá Việt Nam và đỉnh cao châu lục.
Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta tận mắt chứng kiến khoảng cách ấy. Trong cả hai lần dự vòng chung kết U19 châu Á gần nhất, U19 Việt Nam đều thất bại thảm hại.
Tại giải đấu diễn ra hồi năm 2012 ở UAE, U19 Việt Nam nằm cùng bảng với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Jordan và Uzbekistan. Đội tuyển của chúng ta liên tiếp phơi áo với các tỷ số 0-4 trước Uzbekistan và 0-5 trước Triều Tiên. Phải tới trận đấu cuối cùng với Jordan, các học trò của huấn luyện viên Triệu Quang Hà mới có hai bàn danh dự. Kết thúc giải, U19 Việt Nam có 0 điểm, ghi hai bàn, thủng lưới 14 lần.
Hai năm trước đó tại Trung Quốc, mọi thứ cũng không khá hơn với đội tuyển của chúng ta. U19 Việt Nam chỉ thắng được một trận trước Jordan sau đó để thua bạc nhược trước U19 Nhật Bản và U19 UAE với cùng tỷ số 0-4.
Hãy nhìn các thống kê của các đội tuyển U19 Việt Nam tại sáu vòng chung kết U19 châu Á trong 12 năm qua: 16 trận, hai thắng, một hòa, 13 thua, ghi 10 bàn, thủng lưới 48 lần.
Từ thế hệ của Công Vinh, Văn Quyến nhưng năm 2002, 2004 tới thế hệ trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG 2014, thành tích của U19 Việt Nam ở sân chơi châu lục không hề được cải thiện. Ở đấu trường cao nhất châu Á, mô hình Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG vẫn chưa cho thấy sự ưu việt so với các hệ thống đào tạo cũ.
U19 Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm. (Ảnh: Vietnam+)
Trước đó, người hâm mộ cả nước đã hết lời ca ngợi thắng lợi 5-1 trước U19 Australia, qua đó, đưa đội tuyển của ông Graechen vào vòng chung kết U19 châu Á. Nhưng Công Phượng và các đồng đội không phải thế hệ U19 duy nhất từng lập được chiến tích ấy. Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, Triệu Quang Hà hay Mai Đức Chung đều từng đưa U19 Việt Nam vào tới vòng chung kết châu Á.
Nói về sự chênh lệch trình độ giữa U19 Việt Nam với bóng đá châu lục, cựu huấn luyện viên U19 Việt Nam giai đoạn 2009-2011 Triệu Quang Hà chia sẻ: “Khi đó, dù chúng tôi cũng lọt vào vòng chung kết châu Á nhưng truyền thông quan tâm tới rất ít. Trình độ của các đối thủ với chúng ta chênh lệch rất lớn. Vào tới đó, Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn nữa về hệ thống đào tạo trẻ thì mới đuổi kịp các nước khác. Khi chúng tôi sang Trung Quốc (vòng chung kết U19 châu Á 2010), Bắc Triều Tiên hay Hàn Quốc đều đá rất khủng khiếp. Các cầu thủ của họ mới 18, 19 tuổi nhưng có lối đá cực kỳ đa dạng.”
Những kết quả ấy là hoàn toàn trái ngược với thành tích của các đội U19 Việt Nam ở Đông Nam Á. Cụ thể, U19 Việt Nam đã lọt vào 3/4 trận chung kết tại bốn kỳ U19 Đông Nam Á gần nhất.
Tại Đông Nam Á, chúng ta là một thế lực. Nhưng ở châu lục, U19 Việt Nam chỉ là “bia bắn tập” cho các đội tuyển lớn.
Trong lúc chúng ta còn đang đau buồn với thất bại trước Hàn Quốc thì ở một sân đấu khác của giải U19 châu Á, một đội tuyển Đông Nam Á khác là U19 Thái Lan vừa đánh bại cường địch Iran.
*Tiêu đề bài viết đã được VTV News biên tập lại