Căng thẳng Iran - Mỹ có "hạ nhiệt" sau chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 06/12/2020 13:21 GMT+7

VTV.vn - Sự khích lệ từ Mỹ và những lo ngại chung về vấn đề hạt nhân của Iran đã đẩy Israel và các quốc gia vùng Vịnh xích lại gần nhau nhưng cũng tạo gọng kìm gây sức ép lên Iran.

Thế giới gần như đã chính thức công nhận ông Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ và đương kim Tổng thống Donald Trump đang ở những ngày tháng cuối cùng của nhiệm kỳ này tại Nhà Trắng. Giữa rất nhiều hồ sơ còn dang dở khi gần kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, những ngày này, vấn đề Iran và Trung Đông đột ngột nóng trở lại.

Căng thẳng Iran - Mỹ có hạ nhiệt sau chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng? - Ảnh 1.

Tổng thống đăc cử Biden liệu sẽ sớm giải quyết được những vấn đề giữa Mỹ và Iran? (Ảnh: AP)

Căng thẳng quan hệ Iran - Mỹ

2020 là một năm không yên ả trong mối quan hệ giữa Iran với Mỹ và đồng minh. Tình hình đặc biệt trở nên căng thẳng trong những ngày cuối năm.

Trung Đông một lần nữa lo ngại vòng xoáy xung đột và trả đũa. Kể từ đầu năm đến nay, Iran đã chứng kiến 3 cuộc tấn công lớn mà nước này cho là gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngay đầu năm, Tướng Qasem Soleimani - chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq - nơi mà chính quyền Mỹ cáo buộc ông này đang lên kế hoạch tấn công vào các lực lượng Mỹ.

Đến đầu tháng 7/2020, một vụ nổ bí ẩn đã xảy ra tại trung tâm nghiên cứu và phát triển máy ly tâm ở Natanz của Iran, nằm cách vài trăm mét với trung tâm sản xuất nhiên liệu hạt nhân dưới lòng đất từng bị tấn công mạng cách đây hơn 1 thập kỷ.

Và giờ là vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh - người được mệnh danh là "cha đẻ chương trình hạt nhân Iran". Ngay lập tức sau cái chết của tướng Fakhrizadeh, Iran lên tiếng cáo buộc Israel và phương Tây đứng đằng sau vụ việc này, đồng thời cảnh báo về "một sự trả thù thảm khốc".

Mặc dù Iran tuyên bố mạnh miệng nhưng dường như chưa có ý định hiếu chiến. Iran im lặng hoàn toàn trước thông tin truyền thông phương Tây đăng tải rằng, Chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Muslim Shahdan bị máy bay không người lái sát hại vào đêm 29/11.

Phản ứng duy nhất đáng kể là Quốc hội Iran thông qua một dự luật khẩn cấp, kiến nghị tăng sản lượng Urani làm giàu các cấp độ khác nhau. Quốc hội Iran cũng kiến nghị Chính phủ ngăn mọi hoạt động tiếp cận và thanh tra của nước ngoài đối với các cơ sở hạt nhân của Iran.

Sự im lặng của nước này tiếp tục chịu thử thách. Mỹ mới đây thông báo áp đặt lệnh trừng phạt mới vào một thực thể và một cá nhân liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran. Washington cũng đang lên kế hoạch tạm thời rút bớt nhân viên khỏi đại sứ quán ở Baghdad, Iraq do lo ngại bị trả đũa nhân một năm ngày mất của Tư lệnh cấp cao Iran Qasem Soleimani. Các động thái gia tăng sức ép đối với Tehran diễn ra trong những tháng cuối cùng Tổng thống Donald Trump còn tại nhiệm.

Giới phân tích cho rằng, Iran sẽ kiềm chế tránh đối đầu, phát động chiến tranh hay tấn công trả đũa vào thời điểm này. Tuy nhiên, vụ ám sát chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ, Israel trong những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Đặc biệt là nó trùng hợp với việc một tàu sân bay của Mỹ đã di chuyển đến khu vực vùng Vịnh cùng với các tàu chiến khác.

Hành động trả đũa chỉ còn là vấn đề thời gian

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Tehran có toàn quyền tiến hành trả đũa sau vụ nhà khoa học hạt nhân của họ bị ám sát. Nếu nhìn trở lại diễn biến hồi đầu năm, khi Tự lệnh lực lượng Quds của Iran, Tướng Soleimani bị sát hại, có thể thấy một hành động trả đũa của Iran nhiều khả năng chỉ còn là vấn đề thời gian. Dĩ nhiễn mức độ, cách thức như thế nào thì chưa thể biết được.

Căng thẳng Iran - Mỹ có hạ nhiệt sau chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng? - Ảnh 2.

Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố, Tehran có toàn quyền tiến hành trả đũa sau vụ nhà khoa học hạt nhân của họ bị ám sát (Ảnh: AP)

Điều mà Trung Đông lo lắng nhất là Iran sẽ dồn sự trả đũa của mình vào bản Thỏa thuật hạt nhân. Iran có thể sẽ là tạm đình chỉ việc thanh sát quốc tế tại các cơ sở hạt nhân quốc tế của họ.

Trước đó, Đại sứ của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã cảnh báo, IAEA phải cho thấy trách nhiệm của mình trước vụ việc nhà khoa học hạt nhân Fakhizadeh bị sát hạt. Cụ thể, Đại sứ Iran tại IAEA nhấn mạnh, IAEA phải có trách nhiệm với một thành viên đang chấp nhận sự thanh sát của IAEA ở mức cao nhất nhưng những nhà khoa học hạt nhân cũng như các cơ sở hạt nhân của họ lại bị đe dọa.

Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA, vốn được coi là thỏa thuận hạt nhân lịch sử, là cơ chế quan trọng ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu, phát triển vũ khí hạt nhân. Mỹ đã đơn phương rút khỏi thoả thuận này hơn 2 năm trước. Iran theo đuổi tiếp 1 năm rồi cũng dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thoả thuận. Với những cục diện và căng thẳng mới trong khu vực, lo ngại về vấn đề hạt nhân Iran một lần nữa trở lại và thêm những lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang khu vực lên một cấp độ nguy hiểm mới hay những sự đối đầu quân sự trực tiếp.

Các quan chức Mỹ liên tiếp có các chuyến thăm tới Trung Đông thời gian qua. Động thái được xem như nỗ lực đối ngoại cuối cùng để bảo vệ thành quả ngoại giao 4 năm qua của chính quyền Tổng thống Trump tại điểm nóng này. 

Các nỗ lực này cũng thiết lập nên một trật tự mới để nếu có một sự thay đổi người chủ Nhà Trắng thì cũng sẽ khó can thiệp và đảo ngược cục diện sẵn có. Đổi lại cho những thành quả này là một sức ép không nhỏ với quốc gia hạt nhân Iran. Xử lý sao với hồ sơ khó này trong bối cảnh khu vực nhiều thay đổi cũng sẽ là một thách thức với người kế nhiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước