Mở cửa trở lại: Bài toán khó giải của các chính phủ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/04/2020 11:05 GMT+7

VTV.vn - Đến thời điểm này, câu trả lời cho câu hỏi Bao giờ mở cửa trở lại? đang làm đau đầu nhiều lãnh đạo các quốc gia.

Bao giờ mở cửa trở lại? Đây là bài toán khó khăn mà chính phủ các quốc gia phải đối mặt. Các chính phủ phải đối mặt với sức ép giữa một bên là tránh nền kinh tế tiếp tục xuống sâu và một bên là tránh làn sóng dịch bệnh lần thứ 2. Dư luận các nước đặt ra nhiều câu hỏi với các chính trị gia cầm quyền, như mở cửa trở lại theo lộ trình nào khi chưa thể triệt tiêu được dịch bệnh? Nếu mở cửa và phải chung sống với dịch bệnh thì sẽ ra sao? Những câu hỏi này đã được phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này.

Theo tờ Telegraph, có 3 kiểu quốc gia trên thế giới, đó là những nước chậm rãi bước ra từ cơn ác mộng COVID-19, những nước đang ở tâm dịch và những nước đang chuẩn bị đối mặt với đại dịch. Tất cả đều phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tàn khốc, làm thế nào để cân bằng giữa tính mạng con người và y tế cộng đồng với sự bền vững của nền kinh tế.

Theo WHO, bất cứ chính phủ nào muốn nghĩ tới việc dỡ bỏ những hạn chế cần đáp ứng đủ 6 điều kiện, gồm: Kiểm soát lây lan 100%; Kiểm soát mọi ca nhiễm, nguy cơ từ nước ngoài; Hệ thống y tế có khả năng phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị cho mọi ca nhiễm, theo dõi mọi đối tượng nghi nhiễm; Không còn nguy cơ ở những điểm nóng (các khu nhà đông dân cư, trung tâm dưỡng lão); Trường học, công sở và các địa điểm thiết yếu khác đảm bảo mọi biện pháp phòng ngừa dịch; Cộng đồng được tăng cường nhận thức, không ai thiếu hiểu biết về COVID-19.

Hiện nay, chưa một quốc gia nào có thể tự tin rằng toàn bộ những điều kiện kể trên đã được đáp ứng và hầu hết đang bị kẹt ở giai đoạn làm chậm sự lây lan, chưa thể nói tự tin chiến thắng dịch bệnh. Thậm chí ở một số nước như Singapore và Nhật Bản đang chứng kiến làn sóng mới của sự lây nhiễm.

Theo phóng viên Công Tùng - Phóng viên Đài THVN thường trú tại Mỹ, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố hướng dẫn mới bao gồm 3 giai đoạn để mở cửa trở lại nền kinh tế, từng bang tại Mỹ có phản ứng rất khác nhau.

Thống đốc bang New York trước đó cho biết sẽ tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội tại bang này tới ngày 15/5. Trong khi, lãnh đạo bang Maryland nói rằng đây là thời điểm tồi nhất để nới lỏng các lệnh cấm và hạn chế. Một số bang như Michigan, Ohio, Wisconsin… đã tuyên bố cùng hợp tác với nhau để mở cửa trở lại. Tuy nhiên, đến nay chưa có mốc thời gian cụ thể được đưa ra, các thống đốc cho biết việc mở cửa trở lại sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn với từng lĩnh vực của nền kinh tế.

"Sẽ mất nhiều thời gian để mở cửa kinh tế trở lại. Ở Mỹ, thời gian và cách thức mở cửa phụ thuộc vào thống đốc từng bang. Trong khi mỗi bang có mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh không giống nhau nên xuất hiện tình trạng bang này muốn sớm mở cửa, bang khác lại tiếp tục phải kéo dài lệnh giãn cách xã hội. Với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, phức tạp ở Mỹ hiện nay thì khó có thể nói khi nào dịch COVID-19 mới tạm thời được kiểm soát, có thể là cuối tháng, cuối năm hoặc năm sau cũng chưa biết chừng", phóng viên Công Tùng cho biết.

"Cũng cần lưu ý rằng, Mỹ vẫn chưa đủ khả năng để tiến hành xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc nên chưa thể khoanh vùng, xác định nơi nào cần tăng cường biện pháp cách ly và nơi nào có thể nới lỏng. Hơn nữa, vaccine hay thuốc điều trị vẫn chưa tìm ra để ngăn chặn loại virus cực kỳ nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh này. Vậy nên, giới chức và chuyên gia dịch tễ Mỹ cảnh báo, việc mở cửa sớm nền kinh tế có thể khiến cho nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 tại Mỹ từ trước đến nay đổ xuống sông xuống biển và nguy cơ bùng phát dịch bệnh lần 2 có thể đánh sập hệ thống y tế, thậm chí nhấn chìm nền kinh tế số 1 thế giới vào cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn".

Từ châu Âu, phóng viên Lê Hồng Quang cũng cho biết Ủy ban châu Âu đã công bố Lộ trình gỡ bỏ các biện pháp cách ly, nhằm phối hợp hành động và giảm thiểu các hệ quả tiêu cực của quá trình này đối với các nước thành viên. Quá trình này đòi hỏi một cách làm tương đối giống nhau giữa các nước châu Âu, phối hợp thận trọng giữa các quốc gia, dựa trên các cơ sở khoa học và phải đánh giá được tác động của mỗi biện pháp dỡ bỏ, trước khi chuyển qua giai đoạn tiếp theo. Ủy ban châu Âu cho rằng các hoạt động kinh tế cũng cần được nối lại từ từ.

"Vấn đề của châu Âu là nền kinh tế giữa các nước đan xen lệ thuộc vào nhau ở mức độ rất cao, vì đều nằm trong một thị trường chung không có gì ngăn cách. Nhân công nước này làm việc ở nước kia, sản xuất của nước này lệ thuộc nguyên liệu từ những nước khác và bán hàng ở những nước khác nữa. Vậy phải làm sao để khởi động lại sản xuất và thương mại, trong khi mỗi nước có thời điểm dỡ bỏ hạn chế khác nhau, dỡ gì trước dỡ gì sau cũng khác nhau. Để guồng máy kinh tế hoạt động được thì phải mất rất nhiều thời gian và trong lúc mở cửa dần về kinh tế thì vẫn phải luôn điều chỉnh các biện pháp phòng dịch bệnh bùng phát trở lại, không thể nhanh được", phóng viên Lê Hồng Quang phân tích.

Đại dịch COVID-19 đang và sẽ làm thay đổi thế giới, có thể sẽ không còn cách thức vận hành thế giới bình thường như trước kia. Thế giới đang phải sống một đời sống bình thường mới cùng với các nguy cơ của dịch bệnh. Bài học đau xót mà COVID- 19 để lại đối với các quốc gia cho thấy phải chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng mới trong tương lai. Trên con đường phía trước đó, các quốc gia sẽ phải cùng phối hợp với nhau, người dân cần hợp tác với chính quyền, còn các chính phủ thì đang nghĩ đến những cuộc cách mạng mới trong hoạch định chính sách phát triển một cách đột phá nhưng phải bền vững hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước