Thường trực Chính phủ đã có một cuộc họp kéo dài từ chiều tới tối 27/3 với lãnh đạo của các bộ để chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương về một kế hoạch hậu COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, Chính phủ và các bộ đã chủ động có các gói hỗ trợ như gói 250.000 đồng của ngân hàng nhà nước và gói hoãn, giãn thuế và chậm nộp tiền sử dụng đất 30.000 tỷ đồng nay đã được nâng lên 80.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi một loạt các nền kinh tế lớn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 cùng với các biện pháp tiền khẩn cấp được thực hiện đồng bộ trong cả nước từ ngày 28/3 để kiềm chế sự bùng phát của COVID-19 ra cộng đồng, dự kiến các doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa do kinh doanh và dịch vụ cơ bản bị đình trệ.
Vì thế, ngay từ lúc này, Chính phủ và Chính quyền các địa phương cần phải hành động với bản lĩnh và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân nhằm không để kinh tế và xã hội Việt Nam rơi vào tình hình quá xấu và bị động, nhất là khi Việt Nam vừa bị ảnh hưởng bởi COVID-19, vừa bị hạn hán và xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm. Trong khi đó giá dầu chỉ còn 1/3, so với giá trong dự toán thu ngân sách nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của dịch COVID-19 như Mỹ đã có những gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử, còn hầu như tất cả các nước G20, châu Á và ASEAN đều đã có các gói kích thích kinh tế.
Một vấn đề nữa cũng sẽ được thảo luận ở Hội nghị giữa Chính phủ với các bộ ngành và địa phương, đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Vì trong 3 tháng đầu năm nay, tốc độ giải ngân mới chỉ đạt hơn 13%, cao hơn chút ít so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư công, kể cả ODA còn tới gần 700.000 tỷ đồng tương đương với gần 30 tỷ USD. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, địa phương nhất là Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Đồng Nai phải có giải pháp để thúc đẩy giải ngân ở các dự án đường bộ và sân bay Long Thành.
Thủ tướng nhấn mạnh, khi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, do sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cơ bản bị ngưng trệ trong cả nước, đời sống của các giai tầng, từ người lái xe, đến công nhân đều bị ảnh hưởng rất lớn lao, vì thế, cần phải có chính sách để bảo đảm an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị ngưng trệ, đời sống khó khăn sẽ dễ nảy sinh nguy cơ mất an ninh, trật tự. Vì thế, tại hội nghị tới, Bộ Công an cũng như các địa phương cần đưa ra các giải pháp nhằm không để tình trạng lộn xộn xảy ra.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính chuẩn bị thêm một gói hỗ trợ tài khóa lớn gấp nhiều lần gói 80.000 tỷ đồng đang thực hiện để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng và người lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh. Trong đó, việc tạm dừng đóng phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn cũng sẽ được quyết định. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ xem xét cho các doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động. Khi các chính sách này được thực hiện, hàng triệu lao động sẽ được thụ hưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu sau hội nghị rất quan trọng này, những địa phương đầu tàu như TP.HCM phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa bởi lúc này được coi như thời chiến nên phải đổi mới cách làm và đề cao tự chịu trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh, Trung Quốc và Hàn Quốc đã phục hồi sản xuất rất nhanh sau khi hết dịch, vì thế, với các chính sách hỗ trợ tới đây của Chính phủ, các doanh nghiệp và các địa phương của Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để phục hồi sản xuất kinh doanh, giống như một chiếc lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch nhằm vực dậy nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!