Câu chuyện học xong nhưng không có việc làm trở thành "điệp khúc" quen thuộc ở Việt Nam. Hậu quả là gây ra sự lãng phí. Đặc biệt vào thời điểm này, những câu hỏi về chọn ngành, chọn nghề tiếp tục làm đau đầu nhiều người. Từ đây, thực tế cho thấy thông tin và dự báo về nghề nghiệp đang là khâu rất yếu ở Việt Nam.
Theo ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục việc làm, Bộ Lao động TB và XH, nguyên nhân của hiện tượng thừa thầy thiếu thợ ở Việt Nam một phần bắt nguồn từ sự thiếu thông tin về thị trường lao động.
"Thông tin ở đây là nhu cầu của doanh nghiệp được phân tích, tổng hợp và đưa đến người học trong quá trình học cũng như kể cả sau khi ra trường tìm kiếm việc làm. Thông tin này đến từ doanh nghiệp, song những cơ quan Nhà nước được giao nhiệm vụ tổng hợp những thông tin đó đã được quy định rõ ràng", ông Ngô Xuân Liễu cho biết.
Ông Ngô Xuân Liễu khẳng định công tác này vẫn đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên nó cần lộ trình. "Thông tin đã có nhưng việc tổng hợp thông tin thành hệ thống bài bản chưa hoàn thành" - ông Ngô Xuân Liễu nói thêm - "Bằng việc xác định danh mục những nghề phổ biến nhất trên thị trường lao động, chúng tôi sẽ thu thập thông tin về nghề đó. Khi được tổng hợp xong sẽ công bố".
"Quá trình chuyển đổi từ trường lớp tới đi làm là dài và đòi hỏi tính chủ động của người học. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng học xong nhưng không có việc làm" - ông Ngô Xuân Liễu cho hay - "Nhiều bằng chứng cho thấy có những nhu cầu của doanh nghiệp mà người học, người tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu đó, nó thể hiện ở không chỉ kỹ năng về chuyên môn, trình độ hay kỹ năng mềm khác...".
Rõ ràng, thừa thầy thiếu thợ là tình trạng chung của thị trường lao động Việt Nam nhiều năm nay. Chỗ nào cũng thiếu lao động lành nghề, chất lượng cao, trong khi nhiều lao động lại thất nghiệp, không có việc làm. Tạm bỏ qua trách nhiệm của những cơ sở đào tạo đã không tạo ra nhân sự theo nhu cầu của doanh nghiệp thì việc thiếu thông tin cũng là vấn đề, không phải thấy hay thì đổ xô đi học, việc chọn ngành nghề còn phụ thuộc vào cơ cấu hay tuổi thọ ngành nghề... Việc này không thể bảo người lao động đi tìm bởi nó còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.