Vịnh Xuân Đài có diện tích khoảng 13.000ha. Cửa sông của vịnh rộng, bờ vịnh dài khoảng 50km, chạy qua nhiều vùng địa thế khác nhau, dưới biển có rất nhiều rặng san hô và rong biển đẹp mê hồn. Vì vẻ đẹp ấy mà nơi đây đã được công nhận là danh thắng quốc gia. Trước thực trạng về nguy cơ trở thành vùng "biển chết", câu hỏi được đặt ra là liệu có phải vịnh Xuân Đài bị quá tải lồng bè tôm hùm, vì sao quy hoạch vùng nuôi tôm hùm bị phá vỡ, do người dân nuôi tự phát hay do buông lỏng quản lý?
Theo ước tính, có hàng trăm tấn thức ăn mỗi ngày được đưa xuống vùng biển này để nuôi tôm hùm, trong khi đó, những người nuôi tôm hùm lại không thể kiểm soát thức ăn dư thừa. Lượng thức ăn nuôi tôm dư thừa bị tích tụ dưới đáy biển bởi tôm hùm được nuôi tại đây đã hơn 25 năm qua. Những khảo sát gần đây ở vịnh Xuân Đài cho thấy, tại những nơi có độ sâu 5m, chất thải từ lồng nuôi tôm hùm đã dày đến 1m, còn trên mặt nước, rác thải từ quá trình nuôi tôm bủa vây khắp nơi.
Trong khi đó, nơi đây vẫn tiếp tục tăng nóng số lồng, bè nuôi. Nhiều người vẫn ồ ạt nuôi tôm hùm ngay tại chính khu vực mà mật độ nuôi đã quá ngưỡng cho phép. Theo quy hoạch, ở đây chỉ được nuôi 16.500 lồng nhưng hiện tại, lồng nuôi tôm hùm đã xấp xỉ con số 60.000, tăng gấp hơn 4 lần so với quy hoạch. Vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài vốn đã tích tụ ô nhiễm, trước thực trạng lồng bè tăng, nguy cơ ô nhiễm lại càng thêm nóng.
Không ai mong muốn một khu vực đẹp như vịnh Xuân Đài lại trở thành vùng "biển chết", nhưng điều này hoàn toàn có nguy cơ trở thành hiện thực. Khi đó, tiềm năng, lợi thế dù có giàu có đến mấy cũng trở nên nghèo kiệt bởi chẳng ai có thể làm được gì khi vùng biển đã bị ô nhiễm. Không ai khác, chính người dân trong vùng là những người đầu tiên phải hứng chịu rủi ro trong sinh kế và cuộc sống như một sự trả giá về cách ứng xử thiếu bền vững đối với biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!