Men theo bờ vịnh Xuân Đài, cứ vài chục mét lại có một bãi rác ngay trên mặt nước. Rác bủa vây từ mặt biển lên đến bờ. Những lồng tôm hùm chưa kịp kéo ra biển cũng trở thành lồng chứa rác. Tại xã Xuân Phương nằm ven vịnh Xuân Đài, một tuần 3 lần, xe gom rác đến tận các gia đình. Người dân địa phương khẳng định, những túi rác khổng lồ này không phải do họ thải ra. Vậy rác từ đâu?
Gần 60 ngàn lồng tôm hùm đang có trên vịnh Xuân Đài đưa vùng biển này đứng đầu cả nước về nuôi tôm hùm. Tương ứng với đó là một lượng lớn rác thải trong quá trình nuôi tôm. Điều đáng nói, phần lớn rác thải này lại được những người nuôi tôm cho xuống biển.
13 ngàn ha mặt nước vịnh Xuân Đài còn tiếp giáp với nhiều khu dân cư. Không phải gia đình nào cũng tuân thủ việc gom rác. Và với không ít người, biển lại là bãi rác.
Rác từ lồng bè tôm hùm. Rác từ các khu dân cư. Vịnh Xuân Đài oằn mình hứng chịu rác thải chỉ vì thói quen xem biển là túi rác. Và trả giá cho thói quen ấy, tại nhiều khu vực biển ô nhiễm đã lộ rõ. Điều đáng lo ngại, phần lớn rác thải trên vịnh Xuân Đài lại là rác thải nhựa rất khó phân hủy
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài. Một lần nữa, lợi thế to lớn của vịnh Xuân Đài được đánh thức. Nhưng lúc này, vịnh Xuân Đài lại bức bối rác thải. Ô nhiễm mà vịnh Xuân Đài hứng chịu rõ ràng là sự đi ngược với giá trị vốn có của vùng biển đẹp có tiếng này.