6 câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng

P.V, icon
10:03 ngày 08/08/2018

VTV.vn - Ung thư vòm họng là bệnh ung thư phổ biến nhất ở vùng đầu – mặt – cổ. Dưới đây là tổng hợp 6 câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng và giải đáp của các bác sĩ tư vấn.

Ung thư vòm họng là gì?

Ung thư vòm họng (vòm họng còn gọi là vòm hầu hay họng trên) là một dạng ung thư xuất phát từ các tế bào biểu mô ở vùng vòm họng (phần cao nhất của họng, có hình vòm). Bệnh thường gặp nhiều hơn ở nam giới.

Tại sao lại mắc ung thư vòm họng?

6 câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng - Ảnh 1.

Nhiễm virus EBV hoặc HPV làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.

Đến nay vẫn chưa kết luận được chính xác nguyên nhân ung thư vòm họng. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

- Nhiễm virus EBV hoặc HPV

- Tiền sử bệnh gia đình: gia đình có người thân mắc bệnh ung thư vòm họng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của những người còn lại.

- Tuổi: những người trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.

- Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hóa chất

- Chế độ ăn uống thiếu khoa học

- Hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích và đồ uống có cồn

- Thiếu vận động

Dấu hiệu ung thư vòm họng là gì?

6 câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng - Ảnh 2.

Khàn tiếng, ngạt mũi, đau đầu… có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng.

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Khi các tế bào ác tính phát triển và xâm lấn, một số biểu hiện có thể là:

- Đau đầu: Người bệnh cảm thấy đau đầu âm ỉ từng cơn.

- Ù tai: Người bệnh thường bị ù một bên tai, mức độ ù khiến cho người bệnh cảm thấy tiếng trầm như tiếng ve kêu.

- Ngạt mũi một bên, lúc đầu ngạt từng lúc, kèm theo chảy máu mũi.

- Khàn tiếng kèm theo khó nuốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Nếu triệu chứng này kéo dài 3 tuần trở nên mà không khỏi thì người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa để tầm soát bệnh ung thư ngay.

- Các triệu chứng khác: nổi hạch góc hàm, giảm cân không rõ nguyên nhân, người mệt mỏi, chán ăn…

Điều trị ung thư vòm họng ra sao?

Tùy vào từng giai đoạn cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định xem bệnh nhân nên điều trị theo phương pháp nào. Hiện nay, trong quá trình điều trị ung thư vòm họng thì thường có các phương pháp sau:

- Xạ trị: là phương thức điều trị chủ yếu dành cho bệnh nhân khi bệnh ở giai đoạn tại chỗ, tại vùng.

- Hóa trị: điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u

- Phẫu thuật: do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh. Ngày nay với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Ngoài ra phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.

Khi bệnh nhân đã có dấu hiệu của bệnh chuyển sang di căn xa, điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

6 câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng - Ảnh 3.

Xạ trị là phương thức điều trị chủ yếu dành cho bệnh nhân khi bệnh ở giai đoạn tại chỗ, tại vùng.

Tiên lượng ung thư vòm họng thế nào?

Nếu phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vòm họng sống thêm 5 năm sau điều trị đạt 80-90% ở giai đoạn 1 và 2, 30-40% ở giai đoạn 3 và 15% ở giai đoạn 4. Tuy nhiên, 90-97% bệnh nhân ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4 nên tỷ lệ sống không cao.

Có cách nào phòng tránh ung thư vòm họng không?

Ung thư vòm họng có thể phòng ngừa được bằng nhiều cách như:

- Có chế độ ăn uống khoa học: hạn chế ăn các thực phẩm lên men, ăn nhiều rau và hoa quả tươi, uống nhiều nước

- Hạn chế sử dụng rượu bia và các đồ uống có ga

- Không hút thuốc lá

- Tầm soát ung thư vòm họng định kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục