Phòng ngừa biến chứng huyết áp thấp

icon
11:57 ngày 01/06/2018

VTV.vn -Huyết áp thấp là bệnh lý nguy hiểm không kém gì huyết áp cao vì vậy bạn cần chủ động phòng ngừa biến chứng huyết áp thấp càng sớm càng tốt.

Các biến chứng bệnh huyết áp thấp

Do chưa nhìn nhận đúng về biến chứng của bệnh cũng như cho rằng huyết áp thấp không nguy hiểm bằng huyết áp cao mà nhiều người rất chủ quan với căn bệnh này. Tuy nhiên, ít người biết được rằng huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khôn lường.

Phòng ngừa biến chứng huyết áp thấp - Ảnh 1.

Huyết áp thấp có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm

Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này.

Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.

Nếu huyết áp thấp kéo dài còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

Phòng ngừa biến chứng huyết áp thấp

PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Quýnh - BV Thu Cúc cho biết:"Cách phòng ngừa biến chứng của huyết áp thấp tốt đó chính là kiểm soát chỉ số huyết áp. Để làm được điều đó, đầu tiên bạn cần thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày kết hợp với chế độ luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý". Cụ thể, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Phòng ngừa biến chứng huyết áp thấp - Ảnh 2.

Chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh huyết áp thấp tránh biến chứng nguy hại cho sức khỏe

- Chế độ ăn cho người bệnh huyết áp thấp cần tuyệt đối tuân thủ những lưu ý như: cân bằng giữa các thành phần dinh dưỡng, nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi và thực phẩm giàu protein như thịt, sữa, trứng… Nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể dễ hấp thu, đồng thời việc này còn có thể giúp bạn tránh được tình trạng hạ huyết áp sau ăn.

- Người bệnh huyết áp thấp nên ăn mặn hơn người bình thường một chút. Muối sẽ giúp kéo nước vào trong lòng mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn từ đó làm tăng huyết áp. Tuy nhiên đối với những người đang mắc bệnh tim mạch thì không nên áp dụng phương pháp này.

- Uống nhiều nước hơn (nước tinh khiết, nước canh, nước hoa quả…) nhưng nên tránh các đồ uống đóng chai sẵn có nhiều đường, đồ uống có cồn như rượu, bia.

- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, vắt chéo chân khi ngồi, ngồi lâu một chỗ, nâng vật nặng hoặc tắm nước nóng quá lâu… vì những điều này có thể làm cho tình trạng hạ huyết áp đột ngột xảy ra.

- Tập thể dục thường xuyên, đều đặn mỗi ngày để tăng cường khả năng lưu thông máu và khả năng tự điều hòa huyết áp của cơ thể.

- Khi ngủ có thể kê cao đầu và đặt gối ở chân, việc này sẽ kích thận sản sinh ra hormon làm tăng huyết áp.

- Khi cảm thấy có các dấu hiệu của tụt huyết áp như choáng váng, chóng mặt, hoa mắt… bạn có thể uống ngay một cốc nước trà hoặc gừng nóng để giúp tăng nhịp tim nhằm tăng huyết áp tạm thời.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để kiểm soát và chẩn đoán điều trị bệnh huyết áp thấp, ngăn chặn kịp thời biến chứng nguy hiểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục