Thể dục dụng cụ là một môn thể thao khó, đòi hỏi các vận động viên phải có những tố chất đặc biệt. Sự hòa quyện của các yếu tố nhanh, mạnh, bền, dẻo khiến thể dục dụng cụ (TDDC) trở thành một trong những môn thể thao thi đấu khó khăn nhất, đào tạo lâu nhất và tốn kém nhất.Để đào tạo được một vận động viên chuyên nghiệp phải mất khoảng thời gian từ bảy đến chín năm.
Một VĐV TDDC thường bắt đầu vào nghề từ khi mới 5 – 6 tuổi, vì ở lứa tuổi này, mới có thể phát huy hiệu quả nhất việc ép dẻo, ép cân nhằm giúp VĐV có cơ thể thon thả, cơ, xương co giãn tối đa.
Ở độ tuổi còn nhỏ, ít lo nghĩ, các cô bé, cậu bé phải học tập cách nén nhịn, trụ vững trước cái đau của đè dẻo. Đôi bàn tay nhỏ xíu phồng rộp và tướp cả da. Tuột tay, rơi sấp xuống mặt thảm do thực hiện cú rời xà Delches chưa thành công, các em phải tự gượng dậy tập tiếp.
Không chỉ có vậy, các VĐV nhí còn phải thực hiện chế độ ăn kiêng: Không ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo. Vì thế, bụng mỗi VĐV "nhí" lúc nào cũng trong tình trạng… sôi ùng ục. Gian khổ như vậy nên nhiều khi đến giờ nghỉ ngơi ăn cơm mà nước mắt các cô bé, cậu bé vẫn rơi lã chã.
"Khổ luyện" từ khi lên 6 tuổi, đến 14 tuổi mới được thi đấu và chẳng mấy chốc sẽ phải giã từ sân tập. Bởi khi tuổi đời càng cao thì thực hiện các động tác khó càng vất vả. Có thể nói, không môn thể thao nào lại nghiệt ngã như TDDC. Chính vì vậy, các vận động của môn thể thao này luôn được coi là những người mạnh mẽ và kiên cường nhất trong thể thao.
Có vinh quang nào không trả giá bằng nước mắt và những giọt mồ hôi, và vinh quang trong thế thao thì luôn cần rất nhiều sự hy sinh như thế.