Quán Thanh Xuân tháng 11 "Đồng quê thương nhớ" đã gợi lại ký ức thân thuộc về một vùng quê trong tâm tưởng. Nơi miền văn hóa ấy, mọi thành viên đều gắn kết với nhau bằng tình yêu thương, tạo nên những "thiết chế tình cảm" bền vững qua hàng ngàn năm.
Chương trình nhận được sự chia sẻ của những khách mời có gắn bó làng quê: Nhà nông học Nguyễn Lân Hùng, NSUT Chiều Xuân, Nhà báo Ngô Thiên Chương, Soạn giả chèo Mai Văn lạng, Nhà báo Ngô Bá Lục, Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến. Bên cạnh những câu chuyện thú vị, khán giả của Quán thanh xuân còn được chìm đắm trong không gian âm nhạc đầy cảm xúc, của những ca khúc gợi nhớ miền ký về những làng quê Việt như Về quê (Phó Đức Phương), Ôi quê tôi - Con cò (mashup Lê Minh Sơn - Lưu Hà An), Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Ngẫu hứng lý qua cầu (Trần Tiến), Quê tôi (Nguyễn Hoàng Anh Minh), Bức họa đồng quê (Văn Phụng)... Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ Bảo Trâm, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Tạ Quang Thắng, Phạm Thùy Dung, nhóm Mộc Miên, nghệ sỹ xẩm Mai Tuyết Hoa...
Ký ức làng quê không chỉ là những kỷ niệm về một miền quê cụ thể mà là ký ức về một miền văn hóa. Những ký ức đó là một phần quan trọng trong ý niệm về nhân cách và tâm hồn Việt Nam. Những câu hát ru từ trong nôi, những trò chơi dân gian, những câu hát đồng dao… đã ăn sâu vào tiềm thức của con người từng sinh sống nơi đây. Làng quê cũng là nơi cất giữ nhiều phong tục khá cổ điển - đất lề quê thói tồn tại lâu đời.
Làng quê bây giờ đổi mới, khang trang lên, nhưng có thể nào làng đang đánh mất dần cái vẻ đẹp tình tứ, thanh tao trữ tình như trong thơ Nguyễn Bính mà nhiều người còn lưu giữ trong ký ức? Và cho dù có đổi thay thì quê hương vẫn luôn là chốn yên bình cho mỗi tâm hồn. Đó là những vẫn thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến cùng những ký ức về miền quê Trung du buồn và đẹp. Vẻ đẹp quê thấm vào tâm hồn để chắt lọc thành những vần thơ đầy chất quê giữa phố thị. Hay của nhà Nhà báo ảnh Ngô Thiên Chương với những thói quen của con người vùng đất phương Nam sông nước, nơi hội tụ văn hóa của những người đi khai phá. Cũng do lịch sử khai hoang mở đất, đã hình thành nên tính cách hào sảng của người nông dân Nam bộ, trong hoạn nạn khó khăn không bỏ rơi nhau, đồng cam cộng khổ...
Soạn giả chèo Mai Văn Lạng - một trong số ít những người đã thành công trong việc soạn lời mới cho dân ca và chèo - sẽ kể bằng làn điệu chèo trong hình tượng các nhân vật các vở chèo của ông. Những lời thoại đẫm chất dân gian mộc mạc mà chỉ làng quê còn lưu giữ là những gì mà ông đã thu nhận được trong hơn 20 năm làm nghề và có cơ hội đi đến rất nhiều miền quê của Tổ quốc.
Với nhà báo Ngô Bá Lục, ký ức Hội làng - ấy là niềm vui chung của cả cộng đồng làng xã. Hầu như tất cả các Lễ hội làng quê đều cầu mong sự thuận lợi mùa màng và luôn tổ chức lúc nông nhàn. Tất cả như ngập tràn trong niềm hân hoan, hứng khởi. Cuộc sống bỗng trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn bất cứ thời điểm nào trong năm bởi những Hội vật, Hội hát Quan họ rộn ràng đất Kinh bắc. Điều đó lý giải tại sao ký ức Lễ hội làng cứ đeo đẳng mãi trong mỗi người thôn quê. Cũng như Tết ở nông thôn luôn đậm đà hương vị hơn thành phố, bởi vì làng quê mới là nơi ấp ủ, lưu giữ những nếp sống ngàn đời của cha ông ta.
Những ký ức về làng quê mộc mạc đã làm nên chân dung văn hóa của quê hương trong mỗi con người. Và đó cũng là một trong những điều đọng lại trong Quán thanh xuân tháng 11 Đồng quê thương nhớ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!