Câu chuyện của nguồn sáng
Các nguồn sáng khác nhau tạo ra các màu sắc khác nhau, từ đó tạo màu sắc khác nhau cho vật thể. Tuy nhiên, chúng ta không cảm thấy sự thay đổi sâu sắc về màu sắc khi đi từ một khu vườn đầy nắng sang một căn phòng mát mẻ với ánh đèn huỳnh quang là bởi vì đôi mắt và bộ não của chúng ta đã làm một công việc tuyệt vời là điều chỉnh sao cho chúng không quá khác nhau. Việc này giúp cho ta tránh quá tải vì những thông tin thừa từ thế giới xung quanh.
Các cảm biến của máy ảnh số lại khác. Chúng ghi lại tất cả màu sắc của vật thể mà không phân biệt nguồn sáng nào. Và để bức ảnh hiển thị đúng màu vật thể, chúng ta cần "nói" cho máy ảnh biết nguồn sáng nào đang được sử dụng. Trong nhiếp ảnh, công việc này được gọi là cân bằng trắng. Các chế độ cân bằng trắng thường dùng là ánh sáng ban ngày, nhiều mây, âm u, trong nhà/đèn, ban đêm hay tự động (AWB)– máy ảnh tự độ đo độ sáng và căn chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Áp sắc xanh là gì?
Khi chúng ta chụp hình trong môi trường ánh sáng có màu (không phải màu trắng) thì hình ảnh hiện lên sẽ không đúng với màu thật của nó. Ví dụ như khi chụp dưới biển, sắc xanh của nước sẽ khiến tất cả mọi thứ (san hô, cá, …) ngả màu xanh chứ không phải màu thật của đối tượng.
Xử lý áp sắc
Trong hầu hết các trường hợp, khi xuất hiện áp sắc đòi hỏi người chụp phải cân bằng trắng một cách kỹ lưỡng trước khi chụp hoặc sử dụng đèn rọi/đèn flash. Ngoài ra, có thể xử lý áp sắc ở khâu hậu kỳ. Các máy ảnh phổ thông không lưu dưới dạng RAW mà thường lưu dưới dạng JPEG. Ảnh dạng này có thể chỉnh sửa được nhưng không nhiều. Trong đa số trường hợp, các tập tin JPEG không có đủ dữ liệu màu sắc để điều chỉnh màu sắc đầy đủ nên thường có màu sắc vừa phải. Vậy nên bạn cần chăm chút cân bằng trắng/nguồn sáng kĩ lưỡng trước khi bấm nút chụp hình.