Đột nhập vào các ngôi nhà để trộm cắp là tình trạng phạm tội phổ biến trong những dịp lễ Tết hoặc mùa du lịch, khi gia chủ không có nhà. Hầu hết, kẻ gian lựa chọn thời điểm gây án vào ban đêm hoặc rạng sáng để tránh bị phát hiện. Mục đích ban đầu của kẻ gian là trộm cắp nhưng nhiều trường hợp, hung thủ giết người khi bị gia chủ phản kháng.
Năm 2017, ông Lê Minh Phương, 50 tuổi, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã dùng kiếm chém nhiều nhát vào kẻ trộm là Nguyễn Đăng Tùng, 15 tuổi, người ở cùng phường Tây Tựu, khi Tùng lẻn vào cửa hàng nhà ông Phương trong đêm. Tùng bị tổn hại 61% sức khỏe. Ông Phương bị Viện kiểm sát nhân dân Quận Bắc Từ Liêm khởi tố về tội Giết người.
Để tránh trường hợp bị phạm tội oan, hoặc bị hung thủ phản kháng gây ảnh hưởng tính mạng, Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc cho rằng : "Khi phát hiện có kẻ lạ đột nhập thì chủ nhà nên lựa chọn giải pháp an toàn hơn là đối đầu với chúng. Gia chủ có thể bật điện để đánh động với kẻ trộm để chúng biết rằng chủ nhà đã biết; tìm đến một nơi an toàn hơn, chốt cửa và gọi điện báo cho công an địa phương hoặc hô hoán, kêu gọi sự tiếp ứng từ phía bên ngoài. Việc trực tiếp đối mặt với kẻ gian sẽ khiến chúng càng manh động, dễ gây ảnh hưởng đến tính mạng của chủ nhà"
Luật sư Phạm Thanh Bình đưa ra lời khuyên, không nên trực tiếp đối mặt với kẻ trộm để tránh gây nguy hiểm tới tính mạng
Ngoài ra, để phòng ngừa trộm đột nhập về đêm, các gia đình chú ý trước khi đi ngủ cần phải kiểm tra và khóa kĩ các cửa tum, cửa ban công. Ban công các tầng nhà nên lắp khung sắt, có cửa phụ để đảm bảo an toàn và đề phòng hỏa hoạn