VTV.vn - Những văn bản quy phạm pháp luật mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành đã tạo cơ sở pháp lý và công cụ để điều hành các chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế.
Điều này cho thấy sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua trong việc đẩy mạnh tổ chức thi hành pháp luật, cũng như rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật để từ đó cho ra đời những hành lang pháp lý. Những hiệu quả hoạt động pháp luật gắn sát sườn, và tác động trực tiếp đến DN này của NHNN đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi pháp luật góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính sách phổ quát thực tiễn
Xác định cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác Cải cách hành chính (CCHC) từ năm 2011 đến nay, cùng với sự phát triển không ngừng về quy mô, mạng lưới hoạt động và các loại hình dịch vụ của hệ thống các Tổ chức tín dụng (TCTD), công tác xây dựng và ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) của NHNN cũng từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhìn lại giai đoạn 2011- 2015, công tác lập kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm của NHNN đã từng bước đổi mới và đã được cải cách một bước, theo đó việc rà soát sự cần thiết và cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư được thực hiện ngay từ giai đoạn xây dựng chương trình, đảm bảo chất lượng cũng như tính ổn định của chương trình xây dựng Thông tư của NHNN.
Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do NHNN chủ trì soạn thảo đều đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Điểm nổi bật trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, đó là NHNN là một trong số ít những bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành tất cả các văn bản được giao để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, như: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ngoại hối, Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Xử lý vi phạm hành chính. Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật của NHNN đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đúng đắn đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với giữ vững an ninh, quốc phòng.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do NHNN ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian qua đã tập trung hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. Từ năm 2011 đến nay, NHNN đã ban hành hơn 200 Thông tư và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 40 văn bản. Trong đó có nhiều văn bản hướng dẫn Luật và sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách quan trọng trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, an toàn hoạt động ngân hàng, thanh toán.
Những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tiền tệ mà NHNN đã kịp thời ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý và công cụ để điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Hay như trong lĩnh vực tín dụng, nhằm mở rộng tín dụng một cách hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ những khó trong hoạt động tín dụng.
Một nội dung đáng chú ý trong công tác cải cách thể chế của NHNN phải kể đến, đó là NHNN đã cơ bản hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động thị trường vàng. Với việc xây dựng được hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đã tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản hoạt động thị trường vàng, đưa hoạt động của thị trường này vào trật tự và kỷ cương, không còn các cơn sốt vàng gây bất ổn xã hội như trước đây.
Khuôn khổ pháp lý về các chuẩn mực an toàn, lành mạnh, minh bạch của hệ thống các TCTD đã được cải thiện mạnh mẽ, tiến gần hơn các thông lệ, chuẩn mực ngân hàng quốc tế, tạo nền tảng cho các TCTD hoạt động an toàn hơn và thúc đẩy cơ cấu lại theo các mục tiêu định hướng đề ra. Bên cạnh việc thực hiện quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và Đề án xử lý nợ xấu, NHNN đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty mua bán nợ Quốc gia (VAMC) theo hướng tăng cường quyền hạn và chủ động cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu; ban hành Thông tư quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp hơn về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu và tạo môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh cho các TCTD, chi nhánh NHNN.
Bảng xếp hạng hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật (Ảnh: Trí Thức Trẻ)
Tháo rào, gia tăng tăng năng lực hội nhập
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong 5 năm qua, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của NHNN được triển khai một cách tích cực và hiệu quả. Định kỳ vào tháng 12 của năm trước liền kề năm kế hoạch, NHNN đã ban hành kế hoạch của năm tiếp theo đối với công tác này. NHNN đã thực hiện rà soát và quyết định công bố khoảng hơn 300 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần, đồng thời rà soát để bãi bỏ những văn bản do NHNN ban hành không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, NHNN đã tiến hành rà soát, tập hợp quy định hiện hành về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của NHNN để đề xuất danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực ngân hàng phục vụ cho việc xây dựng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi); Rà soát văn bản theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính...
Thực hiện việc hệ thống hóa kỳ đầu, NHNN đã tập hợp, lập danh mục và rà soát hiệu lực hơn 1000 văn bản do NHNN soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo được ban hành trong giai đoạn từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 31/12/2013 và công bố kết quả hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của NHNN Việt Nam đến hết ngày 31/12/2013. Kết quả của việc hệ thống hóa này là lần đầu tiên ngành ngân hàng đã hệ thống hóa, công bố các danh mục đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ngân hàng còn hiệu lực, hết hiệu lực và cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý của NHNN cũng đã được NHNN đẩy mạnh trong giai đoạn từ năm 2011-2015. Định kỳ hàng năm, NHNN ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý của NHNN, trong đó bao gồm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Trong quá trình triển khai thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, căn cứ tình hình thực tế, NHNN sẽ ban hành các văn bản điều chỉnh kế hoạch thanh tra cho phù hợp. Việc thực hiện các kiến nghị, khuyến nghị nêu trong kết luận thanh tra của các TCTD đều được theo dõi, giám sát định kỳ hàng tháng, quý.
Hoạt động xây dựng và giám sát thực thi pháp luật của NHNN thời gian qua đã được hoàn thiện thêm một bước, góp phần tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh của TCTD, tạo thuận lợi cho hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, chấn chỉnh, củng cố, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Việc kiểm soát, xử lý nợ xấu của các TCTD phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; tạo môi trường cho hoạt động ngân hàng minh bạch, an toàn, lành mạnh và hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng, giảm bớt rủi ro trong hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Các văn bản quy phạm pháp luật do NHNN hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đã đi vào cuộc sống và có những tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống, xã hội. Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối… đã phát huy tác dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ gia đình trong việc tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong thời gian tới hoạt động pháp luật của NHNN bên cạnh việc phát huy tinh thần cải cách trong các lĩnh vực hiện có, NHNN sẽ ưu tiên cải cách trong hoạt động soạn thảo Văn bản Quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhằm hướng tới việc hoàn thiện môi trường kinh doanh và tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Bảng xếp hạng hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết (Ảnh: Trí Thức Trẻ)