Năm 2019, kế hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là cổ phần hóa 18 doanh nghiệp và thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã qua 2 tháng, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn và cũng chưa doanh nghiệp nào có phương án cổ phần hóa được thông qua.
Tổng Công ty thiết bị Điện Đông Anh có vốn Nhà nước chiếm gần 50% do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ. Đây là doanh nghiệp làm ăn tốt. Sau khi được cho phép bán hết cổ phần, EVN muốn bán toàn bộ. Đã có nhà đầu tư đề nghị mua trọn lô với tổng giá trị khoảng 51 triệu USD. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại muốn chia nhỏ, bán thành nhiều đợt.
Ông Đỗ Văn Sinh, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội về cổ phần hóa DNNN cho rằng cần xác định rõ mục tiêu của việc thoái vốn.
Cũng là doanh nghiệp làm ăn có lãi, việc thoái vốn tại Bia Sài Gòn đã mang lại cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD nhưng việc thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn lại để lại nhiều hệ lụy. Hơn lúc nào hết, vai trò giám sát trong nội bộ doanh nghiệp và giám sát từ cơ quan dân cử cần phải được thực hiện thực chất.
Làm thế nào để cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp mang lại lợi ích tốt nhất cho Nhà nước, tìm được các nhà đầu tư chiến lược và ngân sách Nhà nước được bổ sung nguồn vốn đáng kể vẫn là vấn đề cần tiếp tục được ưu tiên. Có như vậy, cổ phần của các doanh nghiệp làm ăn có lãi mới được bán đúng giá, vào đúng thời điểm, với phương thức hợp lý, tránh được các nhóm lợi ích định giá thấp, thôn tính doanh nghiệp với giá rẻ mạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!