25 năm Cô đỡ thôn bản - Sự chung tay vì sức khỏe của mẹ và trẻ

PV, icon
09:00 ngày 02/03/2018

VTV.vn - 25 năm mạng lưới “Cô đỡ thôn bản” hình thành và phát triển không thể không nhắc tới sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức Quốc tế.

Xuất phát từ sáng kiến của Bệnh viện Từ Dũ năm 1992, mô hình "Cô đỡ thôn bản" cho đến nay đã phát triển một cách tương đối toàn diện, ở tất cả các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn cả nước.

Đến nay, sau 25 năm thực hiện đang có hơn 2.600 cô đỡ thôn bản hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn. Việc tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới "Cô đỡ thôn bản" góp phần duy trì kết quả thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào năm 2030 của Việt Nam.

Trong suốt quãng thời gian ấy, ngoài những sự nỗ lực của Bộ Y tế và các Bộ, ban ngành thì sự chung tay của những tổ chức Quốc tế như UNFPA, WorldBank… nói chung và đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) nói riêng chính là những sự hỗ trợ to lớn để chương trình có được thành công như ngày hôm nay.

25 năm Cô đỡ thôn bản - Sự chung tay vì sức khỏe của mẹ và trẻ - Ảnh 1.

Suốt hơn 20 năm qua, Liên minh châu Âu đã luôn đồng hành cùng Bộ Y tế trong nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em thông qua việc hỗ trợ một loạt các dự án và chương trình. Hỗ trợ hoạt động Cô đỡ thôn bản là một trong những hợp tác quan trọng này. Kể từ năm 2014, Phái đoàn Liên minh châu Âu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế giai đoạn 2: Hướng tới công bằng và chất lượng của dịch vụ y tế tại Việt Nam với nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp 100 triệu Euro. Đây được coi là hỗ trợ lớn nhất của EU cho ngành y tế tại châu Á.

Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế nhằm giúp xóa bỏ đói nghèo bền vững và duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và nâng cao chất lượng phù hợp với chiến lược ngành y tế tập trung vào 10 tỉnh nghèo nhất Việt Nam: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, và Đăk Nông.

Phóng sự dưới đây được trình chiếu tại Hội nghị biểu dương Cô đỡ thôn bản tiêu biểu diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 28/2/2018 phần nào đã diễn tả được quá trình hình thành, phát triển và ý nghĩa của mạng lưới "Cô đỡ thôn bản" trong suốt 25 năm qua, đồng thời khẳng định một lần nữa vai trò của các tổ chức Quốc tế trong việc hỗ trợ các chương trình đầy ý nghĩa này:

Liên minh châu Âu (EU) là nhà tài trợ ODA lớn nhất và là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế, EU tập trung hỗ trợ vào các tỉnh nghèo nhất và những huyện lỵ gặp nhiều khó khăn - đây cũng là những khu vực có các đồng bào dân tộc thiểu số định cư, giúp đào tạo các cán bộ y tế, cung cấp các thiết bị y tế cần thiết, cũng như chuẩn hóa các hướng dẫn lâm sàng về dịch vụ y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục